Sống phải ưỡn ngực thẳng lưng, đừng như con tôm "oằn mình đội phân"

Sống phải ưỡn ngực thẳng lưng, đừng như con tôm "oằn mình đội phân"

Đây chính là một trong những chia sẻ về bài học cuộc sống, kinh nghiệm sống của Jordan B. Peterson, nguyên giáo sư tâm lý học tại Đại học Harvard. Và ông cho rằng với kinh nghiệm sống đúng đắn, con người sẽ tìm thấy sức mạnh nội tại. Và dưới đây là 10 bài học cuộc sống được ông đúc kết lại. Hãy đọc và suy ngẫm. 

1. Làm người phải luôn đứng thẳng lưng, ngẩng đầu ưỡn ngực

Có thể bạn không để ý nhưng nếu bạn có một tư thế thẳng thớm, vững vàng bạn sẽ có thể tạo ra uy thế và thần thái đĩnh đạc, từ đó những người xung quanh sẽ nhìn nhận và đối xử với bạn khác đi. Với tư thế hướng người về phía trước sẽ cho bạn nhiều không gian để đối mặt với cuộc sống cũng như có thời gian để chuẩn bị sẵn sàng trước khó khăn. Một thần thái tự tin cũng đem tới tác động tích cực, cho bạn sức mạnh nội tại để phát triển mạnh mẽ hơn.

Một video TED Talks với tiêu đề “Your body language may shape who you are” cũng đề cập tới sức mạnh này. Diễn giả Amy Cuddy đã thể hiện rằng, tư thế của một người đem tới nguồn năng lượng lớn, có thể gián tiếp quyết định bạn là ai.

Do đó, hãy luôn đứng thẳng lưng, ngẩng đầu, ưỡn ngực trong tư thế một nhà vô địch trong bất kì hoàn cảnh nào.

2. Làm người phải luôn chăm sóc tốt cho bản thân mình

Sai lầm lớn nhất của chúng ta chính là mặc dù bản thân đủ tỉnh táo để hiểu rõ từng khuyết điểm của mình, nhưng lại có xu hướng chấp nhận và bỏ mặc chúng mà không tìm cách thay đổi. Khi có thời gian rảnh, chúng ta thích hành động phục vụ cho sở thích cá nhân hơn là nghiêm túc cải thiện sức khỏe thể chất, mở rộng học thức trí tuệ. Chúng ta có thể ngồi xem tivi, điện thoại hàng giờ nhưng lại để lỡ vài phút tự chăm sóc bản thân, uống thuốc hoặc đi ngủ đúng giờ.

Nếu không học cách chăm sóc bản thân, chúng ta rất khó kiểm soát sinh hoạt cá nhân, quy hoạch phương hướng và lối sống. Một người hiểu rõ bản thân, biết mình đang sống vì cái gì mới có thể chịu đựng và vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống.

Sống phải ưỡn ngực thẳng lưng, đừng như con tôm "oằn mình đội phân"
Sống phải ưỡn ngực thẳng lưng, đừng như con tôm "oằn mình đội phân"

3. Chọn bạn mà chơi vì những người đó ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời bạn

Tục ngữ có câu "gần mực thì đen, gần đèn thì rạng", do đó những người bạn tốt có thể thay đổi bạn theo hướng tích cực. Họ lan tỏa nguồn năng lượng tốt đẹp, truyền cho bạn những tư duy lành mạnh và cùng phát triển những thói quen hữu ích.

Ngược lại, những người tiêu cực sẽ hút cạn năng lượng và kìm hãm sự phát triển của bạn. Sa đọa lúc nào cũng dễ dàng hơn phấn đấu, xuống dốc sẽ dễ dàng hơn là tiến lên. Nếu không có đủ ý chí để chống lại cám dỗ, bạn sẽ đắm mình trong vũng bùn, khó có thể tự thoát ra. Đó là kinh nghiệm mà ai cũng cần biết.

Do đó hãy hiểu ra rằng nhiều bạn chưa chắc đã tốt, nhưng nhiều bạn tốt chắc chắn sẽ giúp bạn rất nhiều trong cuộc sống hiện tại cũng như tương lai. 

4. So sánh chính mình của quá khứ, chứ đừng so sánh mình với người khác

Sai lầm lớn nhất cuộc đời chính là luôn so sánh bản thân với người khác. Mục tiêu mà bạn phải phấn đấu vượt qua không phải “con nhà người ta”, mà là bản thân mình. Mỗi ngày trôi qua, bạn phải tự nhận thức được rằng, mình đã hoàn thiện hơn bản thân của ngày hôm trước hay chưa, những sai lầm của ngày hôm trước đã được thay đổi hay chưa, những kiến thức của ngày hôm trước đã được áp dụng và nâng cao hay chưa…

Dù thành công hay thất bại, chỉ cần chúng ta gặt hái kinh nghiệm, từ đó tiến bộ mỗi ngày (cho dù chỉ là 1%), đây cũng là thước đo để bạn thiết lập phương hướng phát triển chính xác cho mình.

5. Trẻ nhỏ không thể tự trưởng thành nên người nếu không có người lớn dẫn dắt

Mỗi đứa trẻ đều giống một tờ giấy trắng, cần không ngừng tô vẽ mới hình thành nên giá trị, quan niệm, tư duy và lối sống riêng. Mỗi người lớn tồn tại trong môi trường xung quanh, đặc biệt là cha mẹ, đều có thể trở thành thước đo, khuôn mẫu hành vi để chúng học tập.

Nếu một đứa trẻ không học được tính kỷ luật với bản thân và tử tế với người khác từ chính gia đình mình, bạn không thể kỳ vọng chúng tự giác ngộ ra.

6. Trước khi phê phán ai đó hãy làm chủ cuộc sống của mình thật tốt

Hãy nghiêm túc nhìn lại bản thân: Bạn có đang nghiêm túc làm việc, xây dựng sự nghiệp? Hay chỉ tạm bợ qua ngày? Bạn có đối xử tốt với mọi người xung quanh? Bạn có tôn trọng gia đình và người thân? Hay vẫn mang bực dọc, phiền toái về nhà trút giận?

Trước những chuyện mà bản thân bạn không thể làm tốt được, đừng chỉ biết phán xét người khác. Nếu ai cũng chủ động quét dọn trước cửa nhà mình ngăn nắp, gọn gàng thì cả thế giới sẽ trở nên sạch sẽ.

7. Tìm kiếm ý nghĩa chân chính thay vì những sự vui thú nhất thời

Đừng nhầm lẫn giữa hạnh phúc và vui thú đơn thuần. Một thú vui nhất thời chỉ đem lại cho chúng ta sự thỏa mãn ngắn ngủi, không để lại kinh nghiệm gì. Khi nó lướt qua, mọi vấn đề vẫn còn nguyên ở đó, thậm chí là tồi tệ hơn.

Chẳng hạn như bạn thích uống cà phê để đem lại sự tỉnh táo. Nhưng bản chất caffeine chỉ kích thích trí não, ép thần kinh phải gồng mình làm việc. Khi tác dụng của cà phê qua đi, bạn thậm chí còn mệt mỏi và uể oải hơn trước đó.

Ngược lại, ngủ sớm dậy sớm, tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh mới là phương thức có ý nghĩa thực sự, đem lại cho bạn một tinh thần và thể trạng khỏe mạnh, đầy sức sống từ trong ra ngoài. Đây chính là trải nghiệm đáng giá, đem tới hạnh phúc lâu dài.

8. Không thể nói thật thì ít nhất đừng nói dối

Trốn tránh chân tướng hay nói ra sự thật không chỉ là hai lựa chọn khác biệt, mà còn dẫn tới hai con đường đối lập lẫn nhau. Một người không đủ can đảm nói “Không”, giả tạo dối trá, biết sai vẫn làm, là người sẽ đánh mất nguyên tắc và giới hạn bản thân không sớm thì muộn.

Một lời nói dối giống như quả cầu tuyết, càng lăn càng lớn, càng để lâu thì càng phải dùng nhiều lời nói dối khác để che đậy. Nhưng cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, bạn không thể sống mãi với sự dối trá mệt mỏi. Cho nên, ngay từ đầu, hãy chọn con đường ngắn nhất nhưng đem lại hiệu quả nhanh nhất, đó là đối mặt với chân tướng.

9. Luôn lắng nghe người khác nói và tập trung như thể đang học tập

Đối thoại là cơ hội để con người trao đổi tri thức và quan điểm của nhau, thông qua đó phát triển và học hỏi, chứ không phải cạnh tranh lẫn nhau. Mỗi một bộ não đều là một cánh cửa tri thức, dẫn tới những lĩnh vực khác lạ, những quan điểm đối lập, giúp chúng ta tiếp cận vấn đề từ nhiều phía.

Do đó, hãy luôn khiêm tốn và học cách lắng nghe bài học, kinh nghiệm trong từng lời nói. Đó là vàng hay cát, đều do cách bạn tiếp nhận mà thôi.

10. Nhìn thẳng vấn đề, ngôn từ chính xác

Khi xuất hiện bất đồng quan điểm giữa người với người, đừng vội tránh né, cũng đừng tranh chấp, cưỡng ép đối phương phải phân định đúng sai rạch ròi. Phương thức giải quyết tốt nhất là nhìn thẳng vào vấn đề, cùng phân tích trực diện để tìm ra căn nguyên khác biệt ở đâu. Trong quá trình đó, luôn phải nói ra ý tưởng chân thật của bản thân bằng ngôn từ chính xác nhất để đôi bên có thể hiểu rõ nhau.

Không ngừng tìm lỗi, xác định lỗi và sửa chữa lỗi mới là phương thức phát triển đúng đắn của mỗi người.

Theo Tri thức trẻ

Link nguồn

Không có nhận xét nào:

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác

Được tạo bởi Blogger.