6 chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2021

Bổ sung thời gian xét nâng lương công chức; gắn chip vào hộ chiếu; không yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với công chức; lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, … là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2021.

    Không yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với công chức

    Theo Thông tư 02/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ, có hiệu lực từ ngày 1/8, ở tất cả các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và văn thư đã không còn yêu cầu chứng chỉ về trình độ ngoại ngữ và tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng. Thay vào đó, ứng viên được yêu cầu có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ phù hợp, tùy theo yêu cầu trong tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của từng ngạch.

    Việc thay đổi này nhằm tiết kiệm chi phí cho xã hội, ước tính giúp đội ngũ công chức giảm được 1.000 tỷ đồng từ việc đi học để lấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

    7 chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2021
    Ảnh minh họa

    3 trường hợp dừng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng

    Theo Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTB-XH, tới đây sẽ có thêm 3 trường hợp bị dừng nhận trợ cấp xã hội, gồm:

    - Không nhận chế độ, chính sách liên tục từ 3 tháng trở lên;

    - Không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý;

    - Người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bị tạm giam từ 1 tháng trở lên.

    Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 8/8, nhưng các chế độ, chính sách quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 1/7/2021.

    Gắn chip vào hộ chiếu

    Theo Thông tư 73/2021/TT-BCA của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 14/8, hộ chiếu sẽ là loại giấy tờ tùy thân tiếp theo căn cước công dân được gắn chip. Mẫu chip được công bố tại thông tư nêu trên, lưu thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp. Trang bìa của hộ chiếu vẫn in quốc hiệu, quốc huy, tên hộ chiếu.

    Hình ảnh tại các trang trong hộ chiếu là phong cảnh, di sản văn hóa Việt Nam, kết hợp cùng họa tiết trống đồng. Ngôn ngữ sử dụng trong hộ chiếu gồm 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.

    Bổ sung thời gian xét nâng lương công chức, viên chức

    Theo Thông tư 03/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, bổ sung thêm một số trường hợp không tính để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm thời gian đào ngũ; thời gian thử thách khi hưởng án treo; thời gian nghỉ công tác chờ tuổi nghỉ hưu.

    Tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên đối với cán bộ, công chức cũng được thay đổi, theo đó, cán bộ, công chức được đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên mới được nâng bậc lương thường xuyên. Trước đây là mức đánh giá “hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế năng lực” cũng thuộc diện được nâng bậc lương.

    Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/8.

    Doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp thuế GTGT và TNCN

    Theo Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, có hiệu lực từ ngày 1/8/, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN. 

    Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN được xác định cho 1 người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.

    Lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước

    Theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, sau 05 năm, các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh rà soát, nâng mức độ tự chủ tài chính của đơn vị nhóm 3 như sau: Chuyển ít nhất 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên sang đơn vị nhóm 2; Chuyển ít nhất 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên sang đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên; Chuyển ít nhất 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên sang đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên.

    Đến năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá), trường hợp do khó khăn khách quan cần xây dựng lộ trình khác, các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh trình Chính phủ xem xét, quyết định; Đối với giá dịch vụ sự nghiệp công đang được Nhà nước đặt hàng theo giá tính đủ chi phí thì tiếp tục thực hiện theo giá tính đủ chi phí.

    Ngoài ra, khi Nhà nước điều chỉnh chính sách tiền lương, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên nguồn ngân sách tăng thêm hàng năm và sắp xếp từ nguồn dự toán ngân sách Nhà nước được giao để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. 

    Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/8./.

    Theo dangcongsan.vn

    Link nguồn

    Không có nhận xét nào:

    Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác

    Được tạo bởi Blogger.