Câu chuyện đầy cảm hứng đằng sau cây cầu nổi tiếng thế giới Brooklyn

CÂY CẦU TREO BROOKLYN – KỲ QUAN NHÂN TẠO CỦA NƯỚC MỸ

Cầu Brooklyn khánh thành vào ngày 24/5/1883 kết nối Manhattan với Brooklyn. Được mệnh danh là “Kỳ quan thứ tám của thế giới”, du khách hầu hết đều ngạc nhiên khi chiêm ngưỡng tháp đá granite khổng lồ và các loại dây cáp bằng thép dày. Phải mất 14 năm và tiêu tốn khoảng 15 triệu USD thời đó để hoàn thành, Brooklyn ngày nay vẫn là một trong các điểm tham quan du lịch hàng đầu của thành phố New York. Phục vụ hơn 150.000 lượt đi lại mỗi ngày.
Mùa đông năm 1867, lần thứ 6 trong lịch sử từ năm 1800, sông Đông hoàn toàn đóng băng đã ngăn những chuyến phà chở hành khách từ Brooklyn vào Manhattan. Và người dân ở Brooklyn muốn di chuyển thì không còn cách nào khác phải đi bộ nguy hiểm trên sông Đông giá lạnh.
Chính vì vậy cần phải có một cây cầu phục vụ cho tất cả người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa ở hai bên bờ với nhau. Người ta bàn luận với nhau hàng năm trời, năm này qua năm khác nhưng vẫn chẳng có gì được diễn ra.
Xây cầu là điều dễ dàng với công nghệ tiên tiến hiện nay, chỉ cần xây dựng các cột trụ to, vững chắc nối tiếp với nhau dưới lòng sông là có thể bắc thành cầu. Nhưng ở thời điểm đó thì điều này là không thể.
Sông Đông là một eo biển mặn, có nhịp thủy triều nổi tiếng biến động nhất ngày đó. Đặc biệt nhất đó là tuyến đường hàng hải thông thương với biển đông đúc hơn bất cứ nơi nào trên thế giới.
Vào năm 1883, một kỹ sư tên là John Roebling nảy ra ý tưởng xây một cây cầu ngoạn mục nối liền New York với Long Island. Tuy nhiên thời điểm bấy giờ đó là điều không tưởng, những chuyên gia về xây dựng cầu đường trên khắp thế giới nghĩ rằng đây là một điều bất khả thi và nói với Roebling:
“Ý tưởng đó không thể trở thành hiện thực được”
“Nó không thực tế”
“Hãy quên ý nghĩ đó đi”
“Nó chưa từng được thực hiện trước đó”
Roebling không thể quên đi hình ảnh về cây cầu trong tâm trí ông. Ông lúc nào cũng nghĩ về nó và sâu thẳm trong trái tim, ông biết ý tưởng ấy có thể thực hiện được. Ông cần phải chia sẻ mong muốn này với một ai đó có thể giúp được mình.
Sau nhiều thảo luận và thuyết phục, cuối cùng ông cũng đã thành công trong việc làm cho con trai ông – Washington – một kỹ sư trẻ triển vọng, tin rằng cây cầu có thể xây dựng được trên thực tế.
Lần đầu tiên làm việc cùng nhau, người cha và cậu con trai xây dựng kế hoạch hình thành nên bản vẽ về cách thức để hiện thực hóa những ý tưởng trong đầu, cũng như làm sao để vượt qua những trở ngại gặp phải trong quá trình thực hiện, biến ý tưởng thành hiện thực.


Câu chuyện đầy cảm hứng đằng sau cây cầu nổi tiếng thế giới Brooklyn



Tràn đầy phấn khích và niềm cảm hứng, cùng với sự hăng say thực hiện ước mơ, được đối diện với thách thức lớn nhất trong đời, họ thuê đội nhân công và bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên cho cây cầu trong mơ.
Dự án khởi đầu tốt đẹp, nhưng chỉ sau vài tháng tiến hành, một tai nạn trên công trường đã làm kỹ sư trưởng John Roebling mất đi một nửa bàn chân và ba tuần sau đó John Roebling qua đời vì bệnh uốn ván. Kể từ đây khó khăn mới thực sự bắt đầu.
Gạt đau thương sang một bên Washington đứng lên thay cha nối tiếp làm kỹ sư trưởng phụ trách kỹ thuật cho toàn bộ cây cầu, chỉ huy công trường, giám sát thi công với một lòng quyết tâm hoàn thành ước nguyện của cha mình.
Để có thể làm việc được dưới nước, các công nhân phải chui vào một cái thùng bơm đầy khí nén gọi là giếng chìm. Không khí này giúp cho họ có thể thở và ngăn nước xâm nhập vào, nhưng nó cũng hòa tan một lượng khí ni-tơ vào máu. Khi họ nổi lên mặt nước, sự chênh lệch áp suất giữa dưới sông và trên bờ đã tạo điều kiện cho khí ni-tơ này hòa tan vào máu và phát tán ra khắp cơ thể.
Điều này đã gây ra hơn 100 công nhân bị “bệnh giếng chìm”: đau khớp dữ dội, tê liệt toàn thân, co giật, câm điếc và nhiều trường hợp bị chết.
Washington Roebling sau nhiều lần lặn xuống tham quan, theo dõi công trình, giám sát tiến độ làm việc của các công nhân đã bị chấn thương não và bại liệt. Ông không còn có thể đi lại, nói chuyện hay làm bất cứ việc gì được nữa trong suốt phần đời còn lại.
Như chỉ chờ có vậy, đám đông lại được dịp buông ra những lời lăng mạ. Họ bắt đầu:
“Chúng ta đã bảo họ rồi mà.”
“Những kẻ điên rồ và giấc mơ điên khùng của họ.”
“Thật là ngu xuẩn khi theo đuổi những ảo tưởng hoang đường.”
Mọi người đều có những nhận xét, bình luận tiêu cực và cảm thấy rằng dự án nên bị hủy bỏ vì hai cha con Roebling là những người duy nhất biết cách xây cây cầu. Đối diện với những khó khăn như vậy, bạn đừng quên rằng luôn luôn có bàn tay sẵn sàng giúp đỡ bạn, và đó chính là 2 bàn tay của mình.
Mặc dù bị tàn phế, bị người đời cười chê nhưng Washington không bao giờ nản chí, ông vẫn mang khát vọng cháy bỏng hoàn thành bằng được cây cầu. Trí óc của ông không những minh mẫn mà lại còn sắc sảo, chính xác hơn bao giờ hết.
Ông đã cố gắng truyền cảm hứng và lòng nhiệt huyết của mình cho một vài người bạn nhưng họ đều lắc đầu và bỏ cuộc vì không thể hiểu ông muốn nói gì.
Và mình chắc rằng, bất cứ khi nào một cánh cửa được đóng lại, sẽ có cánh cửa khác được mở ra và bạn hãy luôn tin như vậy.
Nằm trên chiếc giường trong bệnh viện, với ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua cửa sổ, một làn gió nhẹ thổi tung rèm trắng mỏng manh, ông nhìn thấy bầu trời và những ngọn cây bên ngoài.
Điều đó dường như là một thông điệp muốn nhắn nhủ ông đừng bao giờ bỏ cuộc. Đột nhiên, một ý tưởng chợt lóe lên trong ông. Tất cả những gì ông có thể làm được là cử động một ngón tay và ông quyết định sẽ tận dụng hết mức điều duy nhất đó.
Ông dùng ngón tay gõ nhẹ vào cánh tay vợ mình, ra dấu rằng ông muốn bà gọi những người kỹ sư đó một lần nữa. Rồi ông lại dùng chính cách ấy, chạm vào tay vợ ra ký hiệu, để nói cho những kỹ sư cần phải làm gì. Điều đó thật kì lạ và dường như ai đó nghe đến cũng bảo thật lố bịch, nhưng thực tế dự án đã được tiến hành trở lại.


Cô Emily Warren Roebling, người quyết tâm đứng bên chồng trong mọi tình huống, bằng lòng sùng kính của người phụ nữ, lòng trung thành không thể đong đếm được, đã đứng ra nhận nhiệm vụ nặng nề là quản lý và chỉ huy toàn bộ công trường thay chồng mình.
Cầu Brooklyn có thể đã không được xây dựng nếu không có sự trợ giúp của Emily Warren Roebling, người cung cấp các liên kết bằng văn bản quan trọng giữa chồng – Kỹ sư trưởng Washington Roebling với các kỹ sư tại chỗ và đội ngũ công nhân.
Dưới sự hướng dẫn của chồng, Emily đã học toán cấp cao, tính toán các đường cong của dây xích, những thế mạnh của vật liệu, thông số kỹ thuật cây cầu, và sự phức tạp của công trình cáp. Cô đã giúp Washington Roebling trong quá trình thi công cây cầu.
Trong suốt 13 năm, Washington đã “gõ” ra những lời hướng dẫn bằng cách gõ nhẹ vào cách tay vợ ông, cho đến tận khi cây cầu được hoàn thành.
Với chiều dài chưa từng có và hai tòa tháp trang nghiêm, cầu Brooklyn được mệnh danh là “kỳ quan thứ tám của thế giới“. Trong một vài năm sau khi xây dựng, nó vẫn là cấu trúc cao nhất ở Tây bán cầu. Nó kết nối giữa các trung tâm dân cư lớn của Brooklyn và Manhattan thay đổi tiến trình phát triển của thành phố New York mãi mãi.
Năm 1898, thành phố Brooklyn chính thức sáp nhập với thành phố New York, Staten Island và một vài thị trấn nông nghiệp, hình thành nên New York vĩ đại bây giờ.
Ngày nay, cây cầu Brooklyn vĩ đại đứng kiêu hãnh trong sự vinh quang, khiến người ta nhớ đến chiến thắng của một người đàn ông với ý chí bất khuất và sự quyết tâm không chịu đầu hàng nghịch cảnh.
Nó cũng là sự tưởng nhớ đến những người kỹ sư và công việc của họ, lòng tin của họ vào một người đàn ông đã bị cả nửa thế giới lúc ấy cho là điên khùng.
Cây cầu đứng đó còn là một tượng đài về tình yêu và sự cống hỉến của người vợ suốt 13 năm ròng rã đã kiên nhẫn “giải mã” những thông điệp của người chồng và nói với những kỹ sư rằng họ cần phải làm gì.
Có lẽ, đây là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho thái độ không bao giờ khuất phục đã giúp người ta vượt qua sự tàn phế thân thể và thực hiện được một mục tiêu tưởng như bất khả thi đối với ngay cả người bình thường.
Nhiều khi chúng ta gặp phải những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng những trở ngại ấy dường như rất nhỏ bé nếu so sánh với những gì mà nhiều người khác cũng đang phải đối mặt.
Cây cầu Brooklyn cho chúng ta thấy rằng những mơ ước tưởng như không thể thực hiện được vẫn có thể trở thành sự thật với sự quyết tâm và kiên trì, bất chấp thử thách, bất chấp khó khăn là gì đi chăng nữa.


Vũ Tiến Cao

Không có nhận xét nào:

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác

Được tạo bởi Blogger.