Người Thanh Hóa chia sẻ về những trải nghiệm buồn khi bị kỳ thị

Sau khi đọc một bài viết trên diễn đàn WTT của một bạn người Thanh Hóa chia sẻ về những trải nghiệm buồn khi bị kỳ thị vì là người Thanh Hóa, em thấy người Việt mình nên nhìn lại vấn đề kỳ thị vùng miền và tự vấn bản thân nhiều hơn. Có thể nhiều người không cảm nhận rõ nhưng sự kỳ thị vùng miền vẫn tồn tại trong cách ứng xử hàng ngày của chúng ta, trong những điều nhỏ nhặt nhất như một câu nói đùa chẳng hạn. 
Người Thanh Hóa chia sẻ về những trải nghiệm buồn khi bị kỳ thị
Để mọi người thấy rõ hơn cảm nhận của những người Thanh Hóa phải chịu đựng những đối xử bất công và phi lý chỉ vì xuất thân, quê quán của mình, em xin trích dưới đây nguyên văn bài viết quan điểm của bạn Đào Mai Anh:
Cá nhân tôi là một người quê gốc Ninh Bình, nhưng lại sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa. Vì vậy có thể nói tôi là người Thanh Hóa, và tôi cũng hiểu rõ về người Thanh Hóa. 
Người Thanh Hóa bị kì thị cũng giống như người Việt Nam bị một số người nước ngoài đánh giá thấp vậy, là một con sâu làm rầu nồi canh. Hầu như chỉ qua một vài người Thanh Hóa không tốt, người Thanh Hóa lại bị đánh đồng lên. Trong khi rất nhiều người Thanh Hóa vẫn đang từng ngày cố gắng nỗ lực sống thật tốt, thì nhiều người lại qua một vài cá nhân cá biệt lại nhanh chóng áp đặt cho người Thanh Hóa “này nọ, này nọ”, thật sự là một điều oan ức và không công bằng. 
Thanh Hóa là một vùng đất nghèo. Phần lớn người dân là nông dân, khu công nghiệp không nhiều, kinh tế không được phát triển như những nới khác. Phần lớn người dân có mức sống trung bình. Thiên nhiên cũng không ưu đãi, mùa hè thì nóng, có gió Lào, mùa đông thì lạnh, khô, mùa bão đến thì ngập lụt, mùa khô đến thì có khi cả tháng mới mưa vài lần. Vốn chỉ biết sinh sống bằng nghề nông, người Thanh Hóa lại càng gặp nhiều cảnh mất mùa, bão lũ, hạn hán, ngập úng. Nói chung, người Thanh Hóa chúng tôi phần lớn vẫn phải sống vất vả, và các bạn, những người thành phố sẽ không hiểu hết được và cũng không biết hết được. 
Thanh Hóa là một trong những tỉnh có dân số đông nhất cả nước. Người vì thế, khắp các thành phố đâu đâu cũng dễ dàng gặp người Thanh Hóa. Có lẽ vì thế mà mọi người dễ cảm thấy số lượng những người “Thanh Hóa xấu xí” nhiều hơn, nhưng không vì thế mà cứ là người Thanh Hóa thì đều khó ưa, đều xấu tính. Hầu hết mọi người đều mới chỉ gặp gỡ có vài người Thanh Hóa và nhanh chóng áp đặt những thành kiến của mình lên người khác. Nếu một người của tỉnh thành khác làm việc xấu, thì mọi người cho rằng anh ta xấu. Nhưng không hiểu sao nếu không may một người Thanh Hóa làm việc xấu, thì mọi người lại nhanh chóng quy chụp là “người Thanh Hóa xấu”. Như vậy liệu có công bằng? 
Có bao nhiêu người nghĩ rằng mình thực sự hiểu người Thanh Hóa, hay chỉ do những kì thị lan truyền từ người này sang người kia, do thói quen thích nói xấu vùng miền, do sở thích của một số người thích nói những câu nói làm đau người khác? Nhiều người thích đem câu nói “dân Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu” để trêu trọc một cách ác ý. Các bạn liệu có nên xem lại chính bản thân mình không khi chính các bạn cũng đang đem người khác để “cười cợt”?
Vì vậy trước khi đưa ra một ý kiến và đánh giá nào, cũng xin đừng vơ đũa cả nắm, đánh đồng và quy chụp theo kiểu vùng miền. Ở đâu cũng có người tốt người xấu, và Thanh Hóa cũng thế. 
Cá nhân tôi và người Thanh Hóa chúng tôi vẫn luôn tự hào mình là một người con của đất Thanh Hóa, đầy nắng gió và lam lũ quanh năm. Chúng tôi tự hào về một mảnh đất mà con người không phải ai cũng tốt đẹp nhưng đều sống với nhau bằng tình người, mảnh đất đã nuôi dưỡng biết bao nhiêu con người, mảnh đất mà ngày xưa Bác Hồ đã từng nói: “Thanh Hóa anh hùng””.
Đọc những lời tâm tình trên, bất cứ ai có lương tri, biết suy nghĩ cũng cảm thấy xót lòng cả. Khoan hẵng nói đến sự kỳ thị rõ rệt ra mặt, đôi khi trong cuộc sống thường ngày, có những điều nhỏ nhặt chúng ta không để ý đến nhưng lại làm tổn thương đến người khác, kiểu như câu nói đùa: “dân xứ Thanh ăn rau má phá đường tàu”. 
Nhiều người thường hay lấy những câu đùa như thế ra tán phét, trêu chọc người khác mà không ý thức rằng câu đùa ấy ác ý đến mức nào. Tương tự như vậy, chúng ta cũng thường vui miệng gọi “mấy bà bắc kỳ, tụi bắc kỳ” nọ kia mà không biết rằng những người gốc Bắc khi nghe cách gọi cảm thấy rất khó chịu! Vì thế, chúng ta cần cẩn trọng hơn trong lời ăn tiếng nói thường ngày để không vô tình làm tổn thương người khác, vô tình có hành động kỳ thị vùng miền!
Còn với những người có ác ý và định kiến thật sự, có tâm lý ưa chê bai những người đến từ những vùng miền khác thì nên nhìn lại mình. Hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của họ, khi bạn đi đến một vùng khác hay thậm chí ra nước ngoài, bị kỳ thị, bị phân biệt, bị đối xử tệ thì bạn sẽ thấy ra sao? Chắc chắn bạn sẽ thấy uất ức, buồn tủi, không cam lòng, đúng như tâm trạng mà nhiều người Thanh Hóa phải chịu đựng, như bạn Đào Mai Anh chia sẻ.
Vì thế mà những người Thanh Hóa bị tổn thương vì sự kỳ thị vùng miền vô lý có quyền hét lên rằng: “thật bất công!”. Đúng là quá bất công khi người ta đánh giá, phán xét họ không phải qua con người, nhân phẩm của họ mà bằng những thiên kiến về xuất thân quê quán của họ và đối xử với họ theo cái cách mà họ không đáng bị đối xử. 

Mỗi con người là một cá thể riêng biệt, là người tốt hay kẻ xấu tùy thuộc vào nhân cách, nhận thức và hành động của chính người đó. Thế nên, dù ở bất kỳ đâu cũng có người tốt kẻ xấu. Đừng vì một vài người Thanh Hóa xấu xí mà cho rằng tất cả người Thanh Hóa đều xấu. Hãy đánh giá và đối xử với họ một cách công bằng qua con người thực sự của họ.
VIDEO HAY: Chết cười với bà nội xì tin nhảy sexy theo điệu nhạc bốc lửa


Không có nhận xét nào:

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác

Được tạo bởi Blogger.