Nên HỌC NGHỀ hay thi VÀO ĐẠI HỌC luôn là bài toán khó

5 năm trước, nhà hàng xóm của gia đình tôi vui như hội, khi cô con gái cả nhận giấy báo trúng tuyển đại học, chuyên ngành quản trị kinh doanh. 4 năm học với bao thăng trầm, buồn vui và tất nhiên là cả tổng mức chi phí tăng dần hàng năm nữa, giờ cô bé chưa có việc làm ổn định. 
Trong khi đó, nhà trước cửa, cậu thanh niên bằng tuổi cô bé thi trượt Học viện Phòng không – Không quân. Không từ bỏ giác mơ đại học, năm sau cậu thi đỗ vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chuyên ngành cơ khí. Nhưng bất ngờ, sau khi học hết năm thứ nhất, cậu chuyển sang học chuyên ngành lắp đặt cơ khí ở trường Cao đẳng Nghề Hà Nội.
“5 năm học Học viện Nông nghiệp sẽ làm em mất nhiều thời gian, mà khi ra trường, chưa chắc đã có tay nghề chuyên môn hàn cắt bằng gần 3 năm học cao đẳng nghề. Em muốn mình có một tay nghề thực thụ, chứ không chỉ là lý thuyết vĩ mô. Hơn nữa, chi phí học nghề ít hơn rất nhiều so với học đại học”, Sơn - tên cậu thanh niên ấy - tâm sự. Giờ thì cậu đang ổn định công ăn việc làm với mức thu nhập 15 triệu đồng mỗi tháng.
Nên HỌC NGHỀ hay thi VÀO ĐẠI HỌC luôn là bài toán khó
Nên HỌC NGHỀ hay thi VÀO ĐẠI HỌC luôn là bài toán khó
Học là một chuyện, tìm việc làm lại là chuyện khác. Bao năm qua, cổng trường đại học luôn hiển hiện trong giấc mơ của những cô cậu học sinh năm cuối trung học phổ thông. Chọn trường và thi đỗ đại học là nhiệm vụ đương nhiên của mọi người trẻ, vừa là lo tương lai cho chính mình, vừa hoàn thành nhiệm vụ mà cha mẹ, họ hàng giao phó.
Vậy là nhà nhà muốn con học đại học, người người chỉ chọn học đại học. Theo số liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố mới đây, năm 2017 sẽ có gần 1 triệu học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh đại học công lập và cao đẳng sư phạm cả nước chỉ vào khoảng 400.000 em. Vậy hơn nửa triệu em còn lại sẽ học gì và làm gì?
Lướt qua các trang web tuyển dụng nhân sự, có hơn 90% kết quả cho thấy các doanh nghiệp yêu cầu ứng viên tuyển dụng phải “tốt nghiệp đại học”. Tiêu chuẩn này được đưa ra với hầu hết các công việc, từ giám đốc điều hành đến nhân viên lễ tân. Có vẻ như công cuộc “phổ cập đại học” mấy năm qua và yêu cầu hình thức bằng cấp của xã hội đã làm cho việc học đại học là “lựa chọn duy nhất” với nhiều người.
Chưa biết ra trường sẽ làm gì, các cô cậu học sinh cấp 3 nô nức ghi danh thi đại học. Những người đã tốt nghiệp, trong lúc chờ xin việc, tranh thủ học nốt thạc sĩ. Dù vậy, số sinh viên sau khi ra trường không tìm được việc làm vẫn ngày một tăng. Tỷ lệ người tìm được việc làm đúng chuyên môn ngày một ít. Học vấn và chuyên môn dường như đang không song hành và việc “học lại từ đầu” với những người trẻ khi đi làm là điều tất nhiên.
Rất dễ gặp những cô cậu sinh viên tốt nghiệp ngành A, nhưng lại đang có công việc rất ổn ở ngành B. Không thiếu những người chấp nhận đào tạo lại trong 6 tháng theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp để làm việc tốt hơn, chứ không quá tự tin vào những gì học được sau hơn 4 năm đại học.
Kể cả với nhiều người học đại học ở nước ngoài, khi về nước, cũng không dễ tìm việc. Hoặc là không có công việc đúng chuyên môn đào tạo, hoặc là tấm bằng nước ngoài chỉ như vật trang trí cho một số người có điều kiện. Họ sẵn sàng chuyển qua công việc khác, để mưu sinh. 
Gần như cùng một lúc trong tháng 3/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nơi quản lý các trường đại học và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nơi quản lý các trường nghề, công bố cách thức tuyển sinh, thu hút đầu vào cho các trường của mình. 
Chưa năm nào, vào đại học lại có vẻ dễ dàng như năm nay. Tỷ lệ tuyển thẳng tăng lên đến 10%, với những tiêu chuẩn không quá khó khăn, như việc có tổng điểm 2 môn chính (văn-toán) khi học trung học cơ sở là từ 15 điểm và có trình độ tiếng Anh đạt IELTS 6.5, TOEFL iBT 90 hoặc TOEFL ITP 575 trở lên. 
Thậm chí những thí sinh tham gia cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” trên truyền hình cũng có cơ hội được tuyển thẳng. Với nhiều ưu đãi, đầu vào các trường đại học năm nay đang rộng mở hơn bao giờ hết với các thí sinh.
Trong khi đó, các trường nghề cũng không hạn chế đầu vào và công bố tỷ lệ tìm được việc rất cao của những sinh viên đã ra trường. Báo chí cũng đang nói đến trào lưu mới, theo đó nhiều sinh viên đã tốt nghiệp đại học, nay đi học nghề để sớm có công việc ổn định.
Thi đại học hay đi học nghề? Gia đình tôi vẫn đang loay hoay chọn câu trả lời giúp cậu út. Tấm bằng đại học rất lung linh và sang trọng, còn công việc tốt là một giấc mơ mà ai cũng mong trở thành hiện thực.
Làm thế nào để có “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” như các cụ đã đúc kết, đang là bài toán khó không chỉ cho gia đình tôi mà còn của bao nhà khác.     
Theo Khám phá
VIDEO HAY: Nữ sinh cảnh sát xinh đẹp với màn múa côn nhị khúc điêu luyện và ấn tượng

Không có nhận xét nào:

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác

Được tạo bởi Blogger.