Tết xưa vui lắm, chả như Tết bây giờ đâu ...

Tản mạn ngày tết ....
Dạo một vòng trên mạng, thấy các bạn trẻ chê Tết ghê quá. Các bạn ý bảo: Tết chán ngắt, thế đell nào lại có câu: “Vui như Tết”. Tào lao!
Anh phải công nhận với các chú: Tết giờ chán thật....!!
Nhưng Tết xưa khác lắm. Để anh kể các chú nghe.
- Tết xưa chả ai mua bánh chưng cả. Bọn anh toàn tự gói ăn chơi. Mà quá trình làm ra cái bánh chưng nó kỳ diệu lắm. Ai cũng có việc, chẳng thằng nào đứng chơi, chắp tay sau đít chờ cái bánh chưng ra lò rồi chụp ảnh tự sướng cả.
Người lớn làm những việc cơ bản. Đám trẻ con tỏ vẻ có ích thì chạy lăng xăng rửa lá, gom củi, ngồi trông nồi bánh. Mà cũng không có mấy chuyện lãng mạn kiểu như một đôi còn đang e ấp, ngồi trông nồi bánh chưng bỗng dưng má nàng ửng hồng trong ánh lửa, chàng ngắm nhìn mê say rồi tình yêu nảy nở đâu. Phim à?
Quanh nồi bánh lũ trẻ con chạy như giặc, gom tất cả những gì mà chúng nghĩ rằng có thể nấu, mượn ít củi đáy nồi ngồi chế biến món ăn mà chó nó còn chê.
- Ngày xưa, quanh năm suốt tháng ăn mặc lôi thôi, tóc để thẳng băng như úp cái nồi trên đầu. Đến Tết, mẹ lấy lược rẽ ngôi, xịt ít gôm, mặc cho bộ quần áo mới, cảm thấy mình như tài tử điện ảnh. Đêm về không dám gội đầu sợ mất nếp tóc. Bây giờ, các chú quanh năm tóc tai tạo kiểu điên đảo, quần áo, váy bướm mặc đẹp quanh năm. Tết đến riêng chuyện nghĩ mặc sao cho khác ngày thường cũng phiền não bome rồi.
- Ngày xưa, có ông đi Tây về. Ông đứng bên cái cửa gỗ hút thuốc, thấy đám trẻ con chạy qua mới gọi lại nói: “Bây giờ, đứa nào bao nhiêu tuổi tao mừng tuổi bấy nhiêu tiền”. Ôi zời, cái thời mà đến bố mẹ mừng tuổi căng lắm cũng chỉ được 2.000 VNĐ, mà có ông mừng tuổi cho mình tận 7.000 đồng, rồi có thằng 12-13 tuổi được mừng tuổi trên chục nghìn, nghĩ mà uất ức tí khóc.
Bây giờ, thân thân với bố nó tí mà mừng 50.000, mình đi khuất cái là nó oánh giá ngay.
- Ngày xưa, đêm giao thừa cả bầu trời nồng nàn mùi thuốc pháo. Cùng mẹ đi bộ ra cầu Thê Húc, đứng giữa cầu nhìn lên trời thấy nghi ngút khói, tiếng nổ râm ram xung quanh. Mình hít lấy hít để như sợ khói pháo nó bay mất. Giờ nhớ lại mới thấy tiếc. Giá năm đó hít thêm một chút nữa. Vì bây giờ đến Giao thừa, dân tình ào ào kéo vào các Chùa, mía (lộc) bán la liệt bên đường, mà ai mua về cũng có lộc hết thì làm đell gì còn dân nghèo.!!
Rồi sáng mùng 1, 9h sáng thò mặt ra đường. Tuyệt nhiên không có một bóng người. Xác pháo đỏ rực cả con phố. Xuất hiện vài thằng trẻ con tầm tuổi mình đi nhặt pháo rơi, pháo vãi. Gặp thằng hàng xóm, nhà Hàng Bún rủ ra Hàng Bạc mua banh pháo tép về đốt chơi. Hai thẳng cả năm không bao giờ biết cầm đồng tiền, tự dưng có vài nghìn dằn túi, hùng dũng tiến ra Hàng Bạc, cảm giác như cái thời xăng còn đắt, phóng xe vào cây xăng hét: Đầy bình. Oai vãi cứt.
Sáng mùng 1 bây giờ, nhớ năm ngoái, 10h gặp điểm tắc đường đầu tiên. Tắc ở đoạn giao giữa Nghi Tàm và Xuân Diệu. 1h gặp quả tắc thứ 2. Tắc toàn bộ từ đầu Ô Chợ Dừa cho đến hết Văn Miếu. Năm nay e có chửi bậy hơi nhiều, âu cũng là hậu quả của ngày mùng 1 mấy cụ taxi đi láo.
- Tết xưa, quanh năm suốt tháng toàn chơi mấy trò mà thi thoảng dạo này lại nhìn thấy trong chương trình: Xin một vé đi tuổi thơ. Đến Tết mới được nghỉ, mới được ăn những thứ mà cả năm bố mẹ toàn ra mang hứa: Tết đến cho ăn. Đến nhà cô nào, bác nào thấy nhiều bánh kẹo là trầm trồ lắm. Nhà này giàu ta, bánh kẹo ngập ngụa, sao không đem bán mà mua mẹ mấy cái nhà ở chơi.
Tết bây giờ lắm lúc chỉ chỉ mong có được bát cơm chan canh rau muống. Từ Tất niên, tiệc tùng, mời mọc. Gần 2 tuần chỉ ăn với ăn, toàn đồ bổ, đồ ngon, nhìn thấy trong Tết là ngán tận cổ. Lắm lúc nhà có khách phát sinh, chả có của ngon vật lạ gì mời người ta, đành xấu hổ mời: Bác ăn với cháu bát cơm. Họ mừng ra mặt: Ôi ngon quá, Tết đến ăn uống suốt, giờ mới nhìn thấy cơm, nhớ quá. Xin cái bát về tối ôm ngủ cùng.
Tết xưa vui lắm, chả như Tết bây giờ đâu ... 

Không có nhận xét nào:

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác

Được tạo bởi Blogger.