Phía sau những đứa trẻ xuất sắc là những bậc cha mẹ biết lùi về phía sau

Bố mẹ nên lùi về phía sau và nhường không gian cho trẻ tự phát triển và hoàn thiện bản thân. Thiếu trách nhiệm, dựa dẫm, vô tâm... là những điều mà xã hội ngày nay gắn cho những đứa trẻ và thanh thiếu niên. Theo một khảo sát, mỗi ngày có 68% cha mẹ giúp trẻ thu xếp bài vở, 82% cha mẹ giúp trẻ rửa chân, 79% cha mẹ giúp trẻ mặc áo quần và 95% cha mẹ đưa đón trẻ đến trường. Cha mẹ ngày nay được ví von như những siêu nhân với năng lực giúp con vô hạn. Các bậc cha mẹ không biết rằng, họ đang tước đoạt không gian trưởng thành và khả năng phát triển của những đứa trẻ.
Trẻ con không yếu đuối như chúng ta nghĩ. Từ góc độ phát triển tâm lý, trẻ 2 – 3 tuổi khi nhìn thấy người thân quét nhà, trải giường, giúp trẻ mặc quần áo thì trẻ sẽ có khuynh hướng thích tự mình làm hơn là nhờ cậy bố mẹ.
Bố mẹ nên lùi về phía sau và nhường không gian cho trẻ tự phát triển và hoàn thiện bản thân. Hãy cho trẻ cơ hội tự thể hiện bản thân, nếm trải cảm giác tự hào về thành quả đạt được. Để làm điều đó, bố mẹ không cần phải gồng mình tỏ ra là siêu nhân trước mặt trẻ.

1. Bố mẹ cần khéo léo đặt câu hỏi

Bố mẹ không cần phải biến mình thành "bách khoa toàn thư" của trẻ. Khi trẻ đặt những câu hỏi đại loại như: "Tại sao hoa tỏa hương thơm? Tại sao cỏ có màu xanh? Tại sao chim biết hót?". Bố mẹ không cần trả lời mọi câu hỏi của trẻ, càng không nên lục lọi tìm sách hoặc mở máy tính để tìm lời giải đáp.
Thời điểm này, bố mẹ hãy tỏ ra hiếu kỳ và hỏi ngược lại trẻ: "Bố mẹ cũng không biết, con giải đáp cho bố mẹ được không?". Nếu trẻ không biết câu trả lời, bố mẹ nên mua sách hoặc mượn sách ở thư viện cho trẻ đọc, hãy hướng dẫn trẻ tự tìm ra câu trả lời.

2. Bố mẹ cần tỏ ra đãng trí

Khi trẻ không tìm thấy món đồ chơi yêu thích, hoặc trẻ không nhớ chính xác điều trẻ cần phải làm. Bố mẹ không cần vội vàng xắn tay giúp trẻ, hãy khơi gợi trí nhớ của trẻ và để trẻ tự xử lý vấn đề. Thậm chí, bố mẹ có thể tỏ ra là một người đãng trí, chẳng nhớ gì cả.
Chẳng hạn, trước khi trẻ đi ngủ và muốn nghe bố mẹ kể truyện. Bố mẹ có thể hỏi rằng: "Con có nhớ quyển truyện cổ tích để ở đâu không? Con mang đến giúp bố mẹ được không?".
Một đứa trẻ thông minh sẽ nhớ chính xác vị trí của những đồ vật liên quan đến mình. Nếu trẻ không nhớ quyển truyện cổ tích đặt ở đâu, bố mẹ hãy để trẻ tự tìm kiếm. Khi trẻ tìm thấy quyển truyện cổ tích, trẻ nhất định sẽ rất vui vẻ. Bởi trẻ con luôn khao khát được chứng tỏ với bố mẹ rằng, trẻ đã lớn và có thể tự mình xử lý vấn đề.

3. Bố mẹ cần tỏ ra lười biếng

Những việc đơn giản như bật công tắc đèn, khóa cửa, dọn chén bát ra bàn ăn... Bố mẹ có thể tỏ ra lười biếng và để trẻ tự mình làm. Khi dọn chén bát ra bàn ăn, bố mẹ có thể giả vờ quên mang đũa và đợi mọi thành viên trong nhà ngồi vào bàn, sau đó bố mẹ hãy hỏi trẻ: "Con có biết trên bàn ăn thiếu thứ gì không?". Bố mẹ hãy khuyến khích trẻ đi lấy đũa cho các thành viên trong nhà. Điều này sẽ giúp trẻ khơi dậy bản tính tự lập và giúp đỡ mọi người xung quanh.
Phía sau những đứa trẻ xuất sắc là những bậc cha mẹ biết lùi về phía sau

4. Bố mẹ đứng quan sát khi trẻ gặp khó khăn

Trong cuộc sống, trẻ đương nhiên sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn như món đồ chơi của trẻ bị hư hỏng, hoặc trẻ cãi nhau với các bạn. Thời điểm này, bố mẹ không nên lao vào giúp trẻ. Bố mẹ hãy đứng một bên quan sát và gợi ý cho trẻ cách giải quyết vấn đề.
Ví dụ, khi chiếc xe đồ chơi của trẻ hết pin. Bố mẹ hãy hỏi rằng: "Con giúp bố mẹ thay pin cho chiếc xe đồ chơi được không?". Bố mẹ không nên thay pin đồ chơi giúp trẻ, điều tốt nhất bố mẹ cần làm trong tình huống này là hướng dẫn trẻ cách tự thay pin cho xe đồ chơi.

5. Bố mẹ phối hợp với người nhà nhờ trẻ giúp đỡ

Bố mẹ cần phối hợp với ông bà hoặc anh chị của trẻ nhờ đến sự giúp đỡ của trẻ. Chẳng hạn như khi ông đến nhà chơi và tivi không thể bật lên. Bố mẹ có thể hỏi: “Con có cách nào giúp ông bật tivi lên xem không?".
Vào những thời điểm quan trọng, bố mẹ cần lùi về phía sau để cho trẻ có cơ hội chứng tỏ bản thân. Đây là điều không phải bậc cha mẹ nào cũng có thể làm cho con. Bố mẹ là những người hiểu biết và giỏi giang hơn trẻ, nhưng thể hiện điều đó trước mặt trẻ chỉ khiến trẻ dựa dẫm, mất khả năng tự lập và giải quyết vấn đề. Bố mẹ hãy lùi về phía sau để kích thích trí tuệ và phát huy sở trường của trẻ.

Đó là điều tốt nhất mà bố mẹ có thể làm để giúp trẻ trưởng thành
Được tạo bởi Blogger.