50 câu nói hay của Bác Hồ để lại cho thế hệ sau những bài học giá trị

Thương yêu con người là một trong những đức tính vô cùng cao quý của Bác Hồ. Tình yêu thương lớn lao ấy được thể hiện qua từng lời nói, việc làm trong cuộc đời của Người. Dưới đây là những câu nói hay nổi tiếng nhất của Bác trong suốt cả cuộc đời hi sinh vì cách mạng dân tộc, để lại cho thế hệ sau những bài học sâu sắc và vẫn còn nguyên vẹn giá trị cho đến ngày hôm nay.
1. Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ "cộng sản" là ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Đồng chí ta nhiều người đã làm được, nhưng vẫn còn những người hủ hóa. Đảng có trách nhiệm gột rửa cho những đồng chí đó.
(Bài nói chuyện trong buổi bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ 6, 18-1-1949)
2. Còn  non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay! Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to – là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc.
(Di chúc – 1969)
3. Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.
(Người nói khi đến thăm bộ đội ở đền Hùng, trước khi về tiếp quản Thủ đô, 1954)
4. Ưu điểm của thanh niên ta là hăng hái, giàu tinh thần xung phong. Khuyết điểm là ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, bệnh anh hùng. Rất mong toàn thể thanh niên ta ra sức phát triển những ưu điểm và tẩy sạch những khuyết điểm ấy. Huy hiệu của thanh niên ta là "tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên". Ý nghĩa của nó là: Phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Đồng thời phải vui vẻ, hoạt bát. Bác mong mỗi cháu và toàn thể các cháu nam nữ thanh niên cố gắng làm trọn nhiệm vụ, để xứng đáng với cái huy hiệu tươi đẹp và vẻ vang ấy.
(Thư Bác viết gửi thanh niên, tháng 4- 1951, Hồ Chí Minh toàn tập)

5. Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ vô cùng đảm đang, đã đóng góp rất nhiều trong chiến đấu và sản xuất. Đảng, Chính phủ cần có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách nhiều công việc kể cả lãnh đạo. Phụ nữ phải phấn đấu vươn lên, đây thực sự là một cuộc cách mạng.
(Di chúc 1969)
6. Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân.
(Di chúc, 1969)
7. Ví không có cảnh đông tàn/ Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày Xuân/ Nghĩ mình trong bước gian truân/ Tai ương rèn luyện, tinh thần thêm hăng.
(Nhật ký trong tù)
8. Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề quan hệ tới đời sống của dân, dầu khó đến đâu mặc lòng. Hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân phải được đặc biệt chú ý...
(Trích bài Bác viết với bút danh Chiến Thắng, báo Cứu quốc, 12-10-1945, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia)

9. Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.
(Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, 19-12-1946, Hồ Chí Minh toàn tập)

10. Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi.
(Hồ Chí Minh toàn tập)
11. Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân tộc ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn bè ta. Đồng thời viết để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết về cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn, nêu cái hay, cái tốt thì có chừng mực, chớ có phóng đại. Có thế nào, nói thế ấy.
(Bài nói chuyện với cán bộ báo chí, 17-8-1952, Hồ Chí Minh toàn tập)

12. Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng XHCN. Phải có chí khí cao thượng, phải "tiên ưu, hậu lạc", nghĩa là khó khăn thì chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo, là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng lên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy tốt là những anh hùng vô danh....
(Bài nói chuyện tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 21-10-1964, Hồ Chí Minh toàn tập)
13. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lí. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm.
(Đời sống mới, 1947, Hồ Chí Minh toàn tập)
14. Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì tới vòng danh lợi.
(Hồ Chí Minh toàn tập)
15. Chúng ta phải nhớ rằng: Người tài ai cũng có chỗ hay chỗ dở, ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở... Tư tưởng hẹp hòi thì hành động cũng hẹp hòi, thì nhiều thù ít bạn. Người mà hẹp hòi thì ít kẻ giúp. Đoàn thể mà hẹp hòi thì không thể phát triển.
(Thư gửi các đảng viên, 01-3-1947, Hồ Chí Minh toàn tập)
15. Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài và gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang....
(Đạo đức cách mạng, 12-1958, Hồ Chí Minh toàn tập)
16. Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp lại nơi bàn tay. Trong mấy chục triệu người, cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng, đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắc sẽ vẻ vang.
(Trích Thư gửi đồng bào Nam nộ, 6-1946, Hồ Chí Minh toàn tập)
17. Ngòi bút của các bạn là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, sự nghiệp mà anh em văn hóa và trí thức phải làm, cũng như những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc.
(Gửi anh em văn hóa và trí thức Nam bộ, 25-5-1947)
18. Thanh niên bây giờ là thế hệ vẻ vang, vì vậy nên phải tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Tức là thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi, nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông bụt không làm hại gì, nhưng cũng không có ích gì cho loài người...
(Trích bài nói chuyện tại Đại hội sinh niên lần thứ nhất, 7-5-1958)
19. ...Để làm tròn nhiệm vụ cao quí của mình, văn nghệ sĩ phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn. Phải thật sự hoà mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp, phải hết lòng giúp đỡ thanh niên, làm cho văn nghệ nước nhà ngày càng thêm trẻ, thêm xuân.
(Trích bài nói tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III, 1-12-1962, Hồ Chí Minh toàn tập)

20. Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích nước, lợi nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh, phấn đấu đến chừng nào?...
(Trích bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc trường Đại học nhân dân Việt Nam, 19-1-1955, Hồ Chí Minh toàn tập)
21. Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít, mà những tính tốt sẽ ngày càng thêm...
(Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh toàn tập)
22. Việc gì, dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm. Mỗi ngày cố làm một việc có lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình), dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng lại thành lợi to.
(Cần, kiệm, liêm, chính, Hồ Chí Minh toàn tập)
23. Điều gì phải, thì cố làm cho kỳ được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái, thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ.
(Nói chuyện tại lễ khai mạc trường ĐH Nhân dân Việt Nam, 19-1-1955, Hồ Chí Minh toàn tập)

24. Tôi khuyên các bạn là chớ đặt những chương trình kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần đến khó, từ thấp dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được.
(Trích thư Bác gửi các bạn thanh niên, 17-8-1947)
25. Trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng. Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai.
26. Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là có ưu điểm là chính sách phù hợp điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy.
(Trích Hồ Chí Minh truyện, bản dịch Trung văn của Trương Niệm Thức, Bát Nguyệt xuất bản xã, Thượng Hải, tháng 6-1949)
27. Ai yêu các nhi đồng, bằng Bác Hồ Chí Minh? Tính các cháu ngoan ngoãn, mặt các cháu xinh xinh. Các cháu hãy cố gắng, thi đua học và hành. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình. Để tham gia kháng chíến, để gìn giữ hòa bình. Các cháu hãy xứng đáng, cháu Bác Hồ Chí Minh.
(Thư Trung thu, Báo Nhân Dân, 25-9-1952, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia 2002)

28. Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước tiếng để muôn đời. Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn.
(Báo Việt Nam độc lập số 117, ngày 1-2-1942 Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia 2002)

29. … Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Đồng chí ta nhiều người đã làm được nhưng vẫn còn những người hủ hóa. Đảng có trách nhiệm gột rửa cho những đồng chí đó.
30. … Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào ? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân – tức là phục tùng chân lý.
(Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, Trường Đại học nhân dân Việt Nam, 21-7-1956, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia 2002)
31. Báo chí cần có mục « Người tốt, việc tốt » để khuyến khích, động viên, cổ vũ mọi người hăng hái làm tròn nhiệm vụ. Người tốt việc tốt nhiều lắm, ở đâu cũng có, các chú chớ bỏ qua những việc nhỏ nhưng ích nước lợi dân mà các chú tưởng là tầm thường. Chúng ta đánh giặc và xây dựng xã hội mới bằng những việc làm muôn hình muôn vẻ của hàng chục triệu con người, chứ không phải chỉ bằng một vài việc làm nổi bật và vang dội của một số cá nhân anh hùng.
(Trích Bài lược ghi ý kiến của Hồ Chủ tịch phát biểu đầu tháng 6-1968 về việc bồi dưỡng và nêu gương người tốt việc tốt, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia 2002)
32. Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề quan hệ tới đời sống của dân, dầu khó đến đâu mặc lòng. Hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân phải được đặc biệt chú ý...
(Trích bài Bác viết với bút danh Chiến Thắng, báo Cứu quốc, 12-10-1945, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia)

33. Muốn phục vụ nhân dân tốt phải đi đường lối quần chúng. Được dân tin, yêu, phục thì việc gì cũng làm được. Không đi đường lối quần chúng là không gần nhân dân, là thiếu dân chủ, là trở thành quan liêu.
(Trích bài nói chuyện của Bác tại trường Công an nhân dân, 28-1-1958, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia 2002)

34. Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người. Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỉ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với những người khác thì ta phải yêu quí, kính trọng, giúp đỡ.
(Trích Cần Kiệm Liêm Chính, 6-1949, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia)

35. Sứ mệnh của Đảng ta rất to. Công việc Đảng ta rất nhiều. Đảng đòi hỏi chúng ta phải làm trọn nhiệm vụ của đảng viên. Không có vinh dự nào to bằng cái vinh hạnh được làm đảng viên của Đảng Cộng sản. Vì vậy, bất kỳ ở hoàn cảnh nào, làm công việc gì, chúng ta cũng phải kiên quyết làm cho xứng đáng với vinh hạnh ấy.
(Tập san Sinh hoạt nội bộ, số 13, tháng 1-1949, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia 2002)

36. …Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất nhiên của chủ nghĩa cá nhân.
(Trích Đạo đức cách mạng, tháng 12-1958, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia 2002)
37. Chúng ta phải học, phải cố gắng học nhiều. Không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình…
(Bài nói tại Hội nghị nghiên cứu lịch sử Đảng của Ban tuyên giáo Trung ương, 28-11-1959, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, 2002)
38. Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng mình vào Đảng để làm đày tớ cho nhân dân… Làm đày tớ cho nhân dân chứ không phải làm “quan” nhân dân.
(Trích bài nói với cán bộ tình Hà Tây, 10-2-1967, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia 2002)

39. Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn nhớ và thành thực câu: vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng.
(Lời kêu gọi quốc dân đi bầu cử, 5-1-1946, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia)

40. Phải ra sức phát triển sản xuất và thực hành tiết kiệm. Lại phải phân phối cho công bằng, hợp lý, từng bước cải thiện việc ăn, mặc, ở, học, phục vụ sức khỏe và giải trí cho nhân dân…
(Trích thư Bác viết gửi ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, ngày 21-7-1969 - Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia)
41. Đảng viên, đoàn viên, cán bộ phải giữ gìn, phát triển đạo đức cách mạng, làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm…
(Trích bài nói chuyện của Bác với cán bộ tỉnh Hà Tây, ngày 10-2-1967- Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia)
42. Đạo đức, ngày trước thì chỉ trung với vua, hiếu với cha mẹ. Ngày nay, thời đại mới, đạo đức cũng phải mới. Phải trung với nước. Phải hiếu với toàn dân, với đồng bào.
(Trích bài nói chuyện của Bác tại Trường Cán bộ tự vệ Hồ Chí Minh, ngày 7-1-1946 - Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia)
43. Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu.
(Bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô, 5-9-1954)
44. ... Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước tôi được hoàn toàn độc lập, dân tôi được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc, để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu...
(Trả lời các nhà báo nước ngoài, tháng 1-1946, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, tr.161)
45. Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ.
(Nói chuyện tại lớp chỉnh huấn khoá II của Bộ Công an, ngày 16-5-1959, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, NXB Chính trị Quốc gia, tr. 448.)
46. Trời  có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính... Thiếu một đức, thì không thành người.
(Cần, Kiệm, Liêm, Chính, tháng 6-1949, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB Chính trị Quốc gia, tr. 631).
47. ... Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là: Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân.
Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không...
(Người cán bộ cách mạng, tháng 3-1955, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, NXB Chính trị Quốc gia, tr. 480)
48. Tinh thần trách nhiệm là: Nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ. Tách rời chính sách ra một đường, nhiệm vụ ra một đường là sai lầm. Tách rời chính sách và nhiệm vụ ra một đường, và đường lối quần chúng ra một đường cũng là sai lầm. Tinh thần trách nhiệm là gắn liền chính sách và đường lối quần chúng, để làm trọn nhiệm vụ.
(Tinh thần trách nhiệm, ngày 31-12-1951, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB Chính trị Quốc gia, tr.345-346)
49. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?
50. Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng : Cần, kiệm, liêm, chính. Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên.
(Bài nói chuyện trong buổi bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu, 18-1-1949, Hồ Chí minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia)
Theo: Tâm Trang/ Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nguồn ảnh: Sưu tầm trên internet
VIDEO HAY: Cách làm món thịt viên chiên đậu phụ ngon giòn khó cưỡng

3 nhận xét:

  1. Bác hồ luôn là niềm tự hào của dân tộc. Bác hãy soi sáng cho lớp lớp con cháu nhé !

    Trả lờiXóa
  2. Bác là niềm tự hào của cả dân tộc việt nam!

    Trả lờiXóa
  3. Bác ơi bác! Bác soi sáng cho lớp lớp con cháu hiện nay nhé !

    Trả lờiXóa

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác

Được tạo bởi Blogger.