Giáo viên vất vả với yêu cầu minh chứng của Bộ GD-ĐT: 'Không rõ để làm gì'

Thời gian vừa qua, không ít giáo viên vừa lo dạy học vừa nhao nhác tìm minh chứng để được truy cập vào hệ thống tập huấn giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD-ĐT.

Bộ GD-ĐT đang triển khai việc tập huấn trực tuyến cho giáo viên, mỗi giáo viên được cấp một tài khoản riêng và được yêu cầu cập nhật kết quả đánh giá và tải minh chứng chuẩn nghề nghiệp năm học 2019-2020 lên phần mềm trực tuyến.

Khi tập huấn module 1, giáo viên được yêu cầu cập nhật nhiều thông tin cá nhân lên tài khoản của mình ở phần mềm tập huấn trực tuyến của Bộ. Trong đó, có cập nhật kết quả tự đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên năm học 2019-2020. Sau khi tập huấn xong module 1 và module 2, để mở module 3, giáo viên được yêu cầu tập hợp minh chứng cho 15 tiêu chí và tải lên phần mềm.

Thời hạn cuối cùng phải tập huấn xong module 3 (phương pháp kiểm tra đánh giá học sinh chương trình giáo dục mới) đối với giáo viên diện đại trà theo hình thức trực tuyến dự kiến là cuối tháng 3 này.

Giáo viên loay hoay tìm minh chứng

Với một số tiêu chí, để minh chứng, giáo viên thường chụp các biên bản họp tổ đánh giá - phân loại giáo viên, kế hoạch dạy học, sổ chủ nhiệm, kết quả học tập - rèn luyện của học sinh, biên bản họp phụ huynh, kế hoạch dạy học, bảng điểm học sinh... rồi tải lên phần mềm.

giao vien vat va yeu cau minh chung
Giáo viên vất vả với yêu cầu minh chứng của Bộ GD-ĐT: 'Không rõ để làm gì' (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, với các tiêu chí liên quan đến bằng cấp, chứng chỉ thì giáo viên chỉ cần chụp ảnh và đưa lên. Tuy nhiên, một số tiêu chí liên quan tiêu chuẩn nghề nghiệp rất chung chung khiến việc tìm minh chứng khá khó khăn.

Theo một số giáo viên thì có những tiêu chí, giáo viên bộ môn sẽ gặp khó khăn trong việc tìm minh chứng hơn giáo viên chủ nhiệm.

“Với một số tiêu chí có tính chất định tính, các giáo viên chủ nhiệm chỉ cần chụp biên bản họp phụ huynh rồi tải lên, còn giáo viên bộ môn rất khó có minh chứng” - một giáo viên THCS ở TP.HCM chia sẻ.

“Chúng tôi còn lên mạng, tìm hướng dẫn ở một số trang để xem có thể dùng những minh chứng gì cho tiện, nhất là với những tiêu chí như Thực hiện quyền dân chủ trong nhà trường (Tiêu chí 9), tạo mối quan hệ hợp tác với cha mẹ hoặc người giám hộ, xã hội để thực hiện hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh (tiêu chí 11)… Nhưng càng đọc hướng dẫn càng thấy rối.

Ví dụ như với Tiêu chí 9, để được mức khá thì phải có minh chứng là “Bản kế hoạch thực hiện quyền dân chủ trong nhà trường, trong đó thể hiện được biện pháp phát huy quyền dân chủ của học sinh, của bản thân, đồng nghiệp và sự phối hợp với cha mẹ học sinh trong thực hiện nhiệm vụ năm học; hoặc biên bản họp hoặc ý kiến ghi nhận, đánh giá từ đồng nghiệp/nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/ban giám hiệu/cấp trên về việc giáo viên có đề xuất biện pháp phát huy quyền dân chủ của học sinh, của bản thân, cha mẹ học sinh và đồng nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ năm học; Hoặc Biên bản họp cha mẹ học sinh/ý kiến của đồng nghiệp/nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/ban giám hiệu/cấp trên ghi nhận giáo viên đã phát hiện, phản ánh, ngăn chặn, xử lí kịp thời các trường hợp vi phạm quy chế dân chủ của học sinh (nếu có)…” – một cô giáo ở Quận Tân Bình cho biết.

“Không rõ minh chứng để làm gì?”

Mặc dù vẫn tuân thủ các quy định do Bộ đặt ra, nhưng giáo viên vẫn băn khoăn về mục đích của việc làm này.

Thầy A.S., giáo viên một trường THCS ở Quận 3 cho biết để hoàn thành các tiêu chí: thực hiện dân chủ trong nhà trường (tiêu chí 9), thực hiện trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường (tiêu chí 10); ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ (tiêu chí 15)…, thầy và các giáo viên khác trong trường phải nhờ bộ phận khối văn phòng nhà trường trích lục các hồ sơ, kế hoạch, tài liệu của nhà trường để sao chụp lại.

“Thật tình, tôi không hiểu những minh chứng này có tác dụng gì đối với việc tập huấn. Trong khi đó, để làm xong chúng tôi phải mất quá nhiều thời gian, nhất là đang trong thời điểm kiểm tra giữa học kỳ II và còn ôn tập cho học sinh cuối cấp” – thầy A.S. nói.

Tại TP Biên Hòa, Ban giám hiệu một số trường học đã họp và thống nhất danh sách các tài liệu minh chứng cho các tiêu chí của Bộ đưa ra. Các trường này cũng tổ chức nhiều cuộc họp tổ chuyên môn, lập biên bản đánh giá phân loại, chỉ đạo bộ phận văn phòng tích cực hỗ trợ giáo viên trích lục, sao chụp hồ sơ…

Sở GD-ĐT Lạng Sơn yêu cầu 100% cán bộ quản lý, giáo viên rà soát lại toàn bộ việc cập nhật kết quả đánh giá chuẩn nghề nghiệp năm học 2019-2020  và đưa minh chứng lên hệ thống TEMIS trước ngày 17/3.

Tuy nhiên, sau đó Sở này phải “gia hạn” đến ngày 22/3. 

Một cô giáo ở TP Lạng Sơn chia sẻ mặc dù có thể ghi “Không đạt” để khỏi phải tìm minh chứng ở một số tiêu chí quá khó tìm, nhưng đa phần giáo viên đều không muốn ghi như vậy vì sợ bị ảnh hưởng đến việc đánh giá, xếp loại cuối năm học nên “mọi người đều loay hoay tìm cách để bổ sung đủ”.

Một trong các tiêu chí mà nhiều giáo viên thắc mắc nhất là trong khi Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên đều đã bỏ tiêu chí về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, nhưng ở phần mềm tập huấn vẫn yêu cầu giáo viên phải có minh chứng là chứng chỉ ngoại ngữ sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc (tiêu chí 14) hoặc chứng chỉ tin học (tiêu chí 15).

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Quận 10, TP.HCM cho rằng việc tìm minh chứng kiểu này chỉ khiến giáo viên tìm cách làm đối phó, bởi không khó để nhận thấy rằng với hàng triệu giáo viên tham gia tập huấn, Bộ GD-ĐT chẳng thể nào đủ nhân lực để kiểm tra cụ thể bản khai của từng người.

“Hàng năm, nhà trường và các tổ chuyên môn đều đã có đánh giá xếp loại giáo viên và lưu vào hồ sơ. Kết quả này đều được trường báo cáo lên phòng và Sở GD-ĐT nên việc Bộ yêu cầu minh chứng rồi mới ở tài khoản cho giáo viên tập huấn là không cần thiết”.

Theo Vietnamnet

Link nguồn

Không có nhận xét nào:

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác

Được tạo bởi Blogger.