Khi nào chúng ta sẽ lại có thể ngồi ăn cơm cùng nhau?

Đã lâu rồi cả nhà không ngồi ăn cơm cùng nhau. Những lần đi học xa về, thấy mỗi người ngồi ăn một góc là tôi lại buồn rơi nước mắt.

Ba tôi luôn là người được ăn đầu tiên, khi cơm canh vừa chín, còn nóng hôi hổi. Ba bị liệt nửa người nên chỉ có thể ngồi trên ghế, không cùng cả nhà quây quần dưới mâm cơm như ngày trước vẫn từng. Chỗ ba ngồi lúc nào cũng vướng vài hạt cơn, cọng rau hay xương cá. Ăn xong, ba hơi cúi nhặt nhạnh, đem tô và muỗng tập tễnh đi cất, vậy là xong một bữa.

Khi nào chúng ta sẽ lại có thể ngồi ăn cơm cùng nhau?


Mẹ tôi không có giờ ăn cố định. Đi làm về mẹ loay hoay rửa ráy, giặt giũ, quét chuồng heo, cắt thêm mớ cỏ cho bò và hàng trăm thứ việc không tên khác. Xong xuôi, mẹ lùa vội miếng cơm cho kịp giờ làm buổi chiều. Từ ngày ba đổ bệnh, mẹ phải đóng hai vai, vừa làm ba vừa làm mẹ. Ngày ngày mẹ đạp xe đi làm thuê kiếm tiền thay ba. Công việc ở lò than nặng nhọc nhưng chẳng bao giờ mẹ hé môi than thở. Những bữa cơm, vì vậy càng qua quýt sơ sài.

Hai đứa em tôi đang tuổi ăn tuổi học. Nhà xa trường, buổi trưa chúng ở lại bên ngoài hoặc về ăn rất vội vàng rồi lại đạp xe đi. Bữa tối với chúng tôi cực kỳ đơn giản, cứ bưng tô cơm ngồi coi ti vi là được. Thỉnh thoảng có nói chuyện, nhưng là để hỏi xem nên coi hoạt hình hay thời sự. Một bữa bần thần em trai tôi bảo, lạ quá, không thấy ngon miệng gì hết trơn. Tôi cười chua xót, làm sao mà ngon miệng được nếu không ngồi ăn chung với nhau hở trời!

Tôi may mắn hơn hai đứa em của mình một chút. Từ hồi thơ bé đến năm 18 tuổi, bữa ăn nào cũng được quần tụ bên mâm cơm gia đình. Mỗi người góp một tiếng cười, một câu nói rôm rả và ấm cúng. Ba kể hôm nay làm đồng gặp người này nè, nghe chuyện này nè, ... . Mẹ sẽ nói "dạ, vậy à, sáng nay ra chợ tôi cũng nghe nói" hay "thiệt hả". Còn bé tôi mắt tròn mắt dẹt không hiểu liền kéo ba mẹ về với bài kiểm tra điểm 10 tròn trĩnh, khoe làm tính được cô giáo khen, mách thằng ngồi sau lưng cứ giật tóc còn hoài, ... . Dù đạm bạc nhưng với tôi đó là những bữa ăn ngon nhất trong đời.

Vào đại học tôi ít có cơ hội về quê. Nhịp sống thành phố cuốn tôi vào guồng xoáy của nó. Tôi lao đầu vào học, làm thêm, đi tình nguyện và tụ tập bạn bè. Tôi cứ nghĩ mình ổn, rất ổn. Chỉ là khi ăn cơm một mình trong căn phòng trọ gần chục mét vuông, thốt nhiên nghe lòng ríu lại, buồn lê thê như đã nghìn năm. Thì ra người ta dễ buồn đến thế, ăn cơm mình nấu, nghe tiếng mình nhai, nói mình nghe, nhìn bóng mình, vậy mà cũng buồn cho được. Thật quá nực cười!

Giữa năm nhất đại học, tôi hay tin ba bị đột quỵ. Khó khăn chồng chất khó khăn. Tôi và mẹ chuyển sang ăn cơm bệnh viện để tiện chăm sóc ba. Đó là những ngày tháng tăm tối nhất với gia đình của chúng tôi. Và đương nhiên cơm hợp chính thức trở thành kẻ thù chung của tôi và mẹ. Chưa lúc nào tôi cảm thấy sợ hãi việc nhai và nuốt cơm như thế.



Ba ra viện, trờ về với cơ thể bại liệt một nửa bên phải. Tôi ở lại thành phố tiếp tục học đại học. Ngày tiễn ba mẹ về quê, tôi nhoi nhói lòng nhưng vẫn cố cười, nói may quá, từ nay không phải ăn cơm bệnh viện nữa rồi. Lúc đó tôi chỉ muốn xách ba lô nhảy lên xe đò theo ba mẹ về nhà. Thành phố rộng chỉ khiến nỗi cô đơn thêm đầy mà thôi.

Tôi cũng về, Tết, hè và dăm ngày nghỉ lễ. Về, để biết mình đã khác xưa mất rồi. Về, để thèm quay quắt một bữa cơm đông đủ thành viên trong gia đình ngồi vừa ăn vừa cười vừa nói chuyện. Về, mà ngỡ nơi đây xa lạ, mà thấy chữ "nhà" không còn vẹn nguyên như thủa ban đầu.

Ba vẫn ngồi ăn trên ghế bằng cánh tay bên trái. Mẹ vẫn tất bật những việc làm không tên. Hai đứa em vẫn vừa ăn vừa dán mắt vào ti vi. Tôi lẳng lặng trải chiếu dọn cơm một mình nghe môi mằn mặn mới biết mình đang khóc. Tệ thật, ở bên gia đình sao lại khóc vì cô đơn được cơ chứ????

Ba, mẹ, hai em của chị. Khi nào chúng ta sẽ lại có thể ngồi ăn cơm chung cùng nhau????

Theo Trần Thị Phượng
Giáo dục & Thời đại

Không có nhận xét nào:

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác

Được tạo bởi Blogger.