Người lớn chúng ta còn không bằng trẻ con

Bọn trẻ con lớp ấy kêu cô dạy văn chán, nào là cô toàn đọc trong sách văn mẫu, đứa nào cũng có sách ấy nên gì chả biết. Chúng chống đối bằng cách chẳng thèm nghe giảng, giờ của cô thì mang toán ra làm, hay rì rầm nói chuyện riêng, ... . Cô cáu tiết, hơi tí lại ghi tên vào sổ ghi đầu bài. Tình hình ngày càng căng thẳng.
Không bằng trẻ con
Ảnh Internet
Bố mẹ nghe chuyện của con cũng sốt ruột. Họp phụ huynh cứ rì rầm bàn tán, muốn đổi cô giáo lắm rồi nhưng vấn đề là ai sẽ nói ra điều đó. Chuyện này rất tế nhị, nói ra nhỡ mà không đổi được, cô lại trù con nhà mình thì có phải khổ thân nó không. Ban đại diện cha mẹ học sinh được bầu ra là để phản ánh những việc như thế này, nhưng thực ra họ đâu dám làm thế, ngược lại họ chỉ là phát ngôn viên của các thầy giáo cô giáo mà thôi. Nhiều phụ huynh tặc lưỡi chọn giải pháp động viên con cố gắng mà chịu đựng, chịu khó đi học thêm, mặc dù chẳng được kiến thức gì nhưng đó cũng là cách để cô giáo vừa lòng. Còn kiến thức thật sự thì có thể tự tìm hiểu hoặc học với thầy cô giáo khác ở bên ngoài.

Không bằng trẻ con
Ảnh Internet
Nhưng nhiều bọn trẻ đâu có chịu như vậy, chúng nó nhất định không đi học thêm ở lớp, Do đó mà lớp học thêm ngày càng ít đi, chỉ lèo tèo vài đứa sợ cô mới đi học, nhưng rồi sau đó cũng giải tán vì số lượng quá ít. Ôi cái sự thẳng, bướng bỉnh của những đứa trẻ này thật đáng yêu, đáng khâm phục làm sao. Người lớn như những bậc phụ huynh còn không bằng những đứa trẻ con nhà mình, không dám lên tiếng, không dám thẳng thắn thừa nhận và nhìn nhận yếu kém. Sao cứ phải bày đặt ra những cuộc thi giáo viên dạy giỏi làm gì để cho tốn kém tiền bạc công sức, đánh giá giáo viên không gì chuẩn và chính xác bằng ý kiến của học sinh. Cô dạy hay thì cả lớp im phăng phắc mà nghe, còn nếu trong giờ giảng bài mà có nhiều đứa ngủ gật hoặc nói chuyện riêng thì thầy cô giáo cũng nên tự xem xét lại bản thân trước khi trách móc hay chê học sinh và rồi nhăm nhăm ghi tên những đứa mất trật tự vào sổ ghi đầu bài. 
Chúng ta cú lên án trẻ con ngày nay hư hơn thế hệ trước đây với cái điệp khúc "thời tôi còn bé, học trò có đứa nào dám cãi lại thầy cô ...". Xin thưa, cái thời đó qua lâu rồi. Tại sao người lớn chúng ta không nhìn thẳng vào sự thật là trẻ con có cái lý của trẻ con. Còn người lớn chúng ta liệu đã dám dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật và dám công nhận sự yếu kém của mình để thay đổi hay chưa?
Thầy cô thì sợ mất uy tín. Phụ huynh thì sợ cô, sợ con bị điểm kém, sợ mất danh hiệu này nọ ... nên chỉ muốn dĩ hòa vi quý. Dù phải tốn tiền đi học thêm, mất thời gian của con thì vẫn cắn răng cho con đi học để khỏi mất lòng cô giáo. Rồi sau đó lại kêu ca than vãn với nhau về cô này thầy nọ rằng họ chán, rằng nền giáo dục tụt hậu, rằng chuyện thi cử lắm tiêu cực, ... Nhưng đến lúc cần lên tiếng thì ai cũng im lặng. Rõ chán, người lớn chúng ta còn không bằng trẻ con.

Không có nhận xét nào:

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác

Được tạo bởi Blogger.