10 quy tắc giao tiếp xã hội giúp bạn luôn thành công

Quan tâm đến con người, Luôn khẳng định con người, tôn trọng người khác, cư xử có lý có tình là những quy tắc giao tiếp giúp bạn luôn thành công
1. Quan tâm đến con người, thể hiện tình cảm giữa người với người trong cuộc sống
Thái độ mình quan tâm đến người tiếp chuyện hay đến mọi người đang sống gần gũi xung quanh ta là một cung cách tốt để gây thiện cảm.
Ví dụ như với gia đình người mới đến ở trong xóm mình, dù không quen biết nhưng mình vẫn đến hỏi thăm xã giao, giúp họ mau chóng có mối quan hệ với láng giềng ban đầu có thiện cảm với nhau. 
Sự thật tâm hòa mình vào chính niềm vui hay nỗi buồn của người khác bằng cách biểu lộ qua cử chỉ, lời nói đủ để người nghe tìm được ở ta một sự nương tựa tâm hồn. Nếu đó là niềm vui, người ta sẽ cảm thấy vui hơn. Nếu đó là chuyện buồn, người ta cảm thấy được chia sẻ
2. Luôn khẳng định con người và tìm ưu điểm ở người khác
Có một chuyên gia về tâm lý nói rằng "Cái vốn quý nhất của chúng ta là năng lực khêu gợi được lòng hăng hái của người khác. Chỉ có khuyến khích và khen ngợi mới làm phát sinh và gia tăng những tài năng quý nhất của con người ta mà thôi"
Có người sợ khen người khác vì họ sợ những người đó lại hay, lại giỏi hơn mình. Thật ra giá trị của mỗi người có trong bản thân của người đó. Tâm lý ai cũng khát khao được nghe những lời khen chân thành. Lời khen có tác dụng làm phát huy tài năng quý nhất của con người, động viên họ, giúp họ củng cố niềm tin trong cuộc sống. Họ sẽ rất hãnh diện với ưu điểm của mình, vì thế bạn sẽ dễ dàng thu phục được nhân tâm.

Bằng lời khen tế nhị ta có thể biến kẻ thù trở thành bạn, khiến người mới quen trở nên chân tình.
10 quy tắc giao tiếp xã hội giúp bạn luôn thành công

Có một ví dụ nhỏ như sau: Có một lần hai nhà A và B tranh chấp nhau về ranh giới nhà đất. B khởi công xây dựng và công khai lấn chiếm phần đất chung giữa hai nhà mà trước đây làm hệ thống thoát nước chung. A cố gắng thương lượng, yêu cầu B xây dựng đúng theo giấy phép nhưng không được, và tình hình ngày càng căng thẳng. Cuối cùng A nói với B
"- Thưa anh, từ trước đến nay gia đình chúng tôi rất trân trọng và nể nang gia đình anh bởi lẽ tôi thấy các thành viên trong gia đình anh đối xử với nhau rất hòa thuận, và anh chị đã chăm sóc con cái mình rất chu đáo. Chính sự nể trọng này mà chúng tôi vẫn không muốn chúng ta phải xử với nhau bằng pháp luật. Mong rằng chúng ta tôn trọng cuộc sống lẫn nhau để tình cảm láng giềng được tốt đẹp"
Kết quả cuối cùng B đã qua xin lỗi A
3. Trong giao tiếp phải biết tôn trọng người khác
Trong kinh doanh hay trong các mối quan hệ xã hội, chẳng ai muốn mình bị hạ thấp. Một sự phê phán không khéo léo, thiếu tế nhị sẽ làm người kia cảm thấy bị xúc phạm. 
Thực tế cuộc sống đã chứng minh rằng những ai chỉ biết đề cao bản thân mình thì càng gặp nhiều thất bại. Có một điều mà ta phải công nhận đólà bất cứ người nào chúng ta gặp trên đường đời, ở họ có rất nhiều kinh nghiệm sống hay và những sự khôn ngoan đáng để ta học tập. Để học được những điều cần thiết nơi người khác thì ta phải biết tôn trọng họ.
Có một câu chuyện để làm ví dụ minh họa sau: Anh A rất hiếu học tiếng Anh, nhưng có tính hay khoe khoang, đến gặp người mà anh ta cần học hỏi thêm thì anh ta lại phô trương sự hiểu biết của mình. Kết quả là không ai nhận giúp anh học thêm cả.
Do vậy, sự tôn trọng người khác trong đối thoại và đức tính khiêm nhường là chìa khóa mở cánh cửa tình cảm, như người đời vẫn thường nói "khiêm tốn là mẹ của thành công"
4. Khi giao tiếp hãy đặt mình vào vị trí người khác để đối xử
Người Việt Nam ta có câu "trách người hãy nghĩ đến ta". Vậy nên trong giao tiếp ứng xử đừng bao giờ vội áp đặt những suy nghĩ của mình lên người khác, mà hãy nghĩ xem trong trường hợp đó nếu là mình thì mình sẽ phản ứng ra sao.
Có một câu chuyện xảy ra đã lâu nhưng có thể nói với tôi câu chuyện đó không thể nào quên. Năm ấy tôi còn rất nhỏ theo ông nội sang cù lao Rồng chơi. Trên chuyến đò sang cù lao ấy tôi tình cờ bắt gặp một người phụ nữ có cái mũi rất xấu vừa to, vừa xẹp, lại có sần, thế là tôi cười nhạo. Còn ông nội tôi lúc đó tỏ ra không vừa ý khi thấy thái độ của tôi như vậy, ông tiến lại ngồi gần bà. Im lặng một lúc lâu ông nội nói với tôi.
"- Con này! tạo hóa sinh ra con người, sinh sao chịu vậy, dù có muốn thay đổi cũng không được. Nếu như con vào hoàn cảnh của bà ấy con cảm thấy thế nào?"
Tôi ngồi im lặng rất lâu sau khi nghe ông nói vậy. Một thái độ sống, một cung cách cư xử đã giúp tôi thành công trong cuộc sống sau này.
5. Trong giao tiếp hãy sử dụng những lời nói tế nhị, dễ nghe.
Trong giao tiếp khi bạn dùng những lời lẽ tế nhị có tình cảm làm cho người nghe có thể tiếp thu thoải mái nội dung của thông điệp bạn đang muốn đề cập đến. Khi bạn giận dữ ai, bạn có thể sử dụng những lời nói lăng mạ, chửi bới để trút cơn thịnh nộ lên đầu người đó mong mình được hả lòng hả dạ. Bạn có tự hỏi là người nghe cảm thấy gì lúc đó không? Có hài lòng như bạn mong muốn không? 
Woodrow WIlson từng nói "nếu bạn đưa hai quả đấm ra nói chuyện với tôi, thì bạn có thể tin chắc rằng tôi cũng đưa ngay hai quả đấm ra với bạn liền. Nhưng nếu bạn nói chúng ta hãy ngồi xuống đây và ôn tồn nói chuyện với nhau thì thái độ của tôi sẽ khác. Vì ý kiến chúng ta khác nhau nên phải ráng tìm nguyên nhân chỗ bất đồng đó"
Esope, nô lệ Hi Lạp viết những câu ngụ ngôn bất hủ mà những lời khuyên bảo của ông tới bây giờ vẫn còn giá trị không kém so với hai mươi năm thế kỉ trước "Ánh nắng mặt trời làm cho bạn phải cởi áo ra mau hơn là một trận cuồng phong. Những lời nói ngọt ngào, êm đềm đi sâu vào lòng người ta hơn là cơn thịnh nộ, đập bàn quát tháo"
6. Trong giao tiếp nên tránh cách nói làm chạm lòng tự ái người khác hoặc làm người khác mủi lòng.
Trong mỗi con người, ai cũng có lòng tự trọng và sự tự ái. Đôi khi người ta có thể hành động liều lĩnh vì bị chạm vào lòng tự ái của họ. Cho nên các sách về tâm lý học thường nói va chạm tự ái người khác là thiếu tâm lý, gây tổn thương về mặt tinh thần đối với người nghe. 
7. Tuyệt đối tránh cách nói mỉa mai trong giao tiếp
Nói mỉa mai là lời nói cay độc như tát vào mặt người nghe. Do vậy trong giao tiếp chúng ta tuyệt đối cần phải tránh cách nói mỉa mai cay độc hoặc bóng gió châm chọc bởi vì điều này có thể gây cho người nghe sự đề phòng, đôi khi tạo ra khoảng cách và lòng thù ghét. 
Hãy xem ví dụ sau đây: 
Chồng: Ngày mai anh lại có một cuộc họp sau khi tan sở
Vợ: Anh lúc nào chẳng có những cuộc họp như vậy, thế tên cô ấy là gì?
Câu nói của người vợ thật mỉa mai, thể hiện thái độ không tin tưởng vào người chồng. Nếu như người chồng có cuộc họp thực sự thì câu nói của người vợ đã làm tổn thương người chồng dẫn đến việc người chồng mất đi niềm tin vào người vợ và có thể người chồng sẽ thực sự muốn đi tìm người khác để an ủi lòng mình.
8. Dùng cách nói triết lý trong giao tiếp để giảm thiểu nỗi bất hạnh.
Đây là một nghệ thuật trong giao tiếp giúp người nghe cảm thấy như những lỗi lầm của mình được chia sẻ, cảm thông, làm cho nỗi buồn được giảm đi rất nhiều, từ đó sẽ có thêm tình cảm với người đó. 
9. Trong giao tiếp phải cư xử có lý có tình 
Trong giao tiếp ta nên luôn nhớ cần phải trọn vẹn giữa tình và lý để suy đoán hay phán xét một ai. Trong cuộc sống ai cũng có những lỗi lầm nhất định không thể tránh khỏi do đó chúng ta không nên chỉ dựa trên lý mà phán xét, cư xử một cách cực đoan, duy ý chí, dễ dẫn đến sự nhẫn tâm. Cần có sự vị tha, khoan dung trong cư xử giao tiếp vì như thế mới giúp người khác hướng đến cái thiện, cái tốt đẹp hơn.
10. Phải giữ chữ tín trong giao tiếp

Giữ lời hứa hay giữ chữ tín là điều cực kì quan trọng trong giao tiếp. Một lần thất tín, vạn lần mất tin. Nếu đã bị mất niềm tin từ người khác, bạn sẽ đánh mất sự giúp đỡ của bạn bè, của đối tác. 

Không có nhận xét nào:

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác

Được tạo bởi Blogger.