Dân nghèo, quan tham và bài toán tiểu học khiến GS Ngô Bảo Châu, PGS Văn Như Cương bó tay

1. "Năng lực kỳ lạ" của đứa trẻ 4 tháng tuổi
PGS Văn Như Cương vừa có một status nhẹ tênh trên facebook:
TOÁN HỌC VÀ CUỘC SỐNG.
Xin giới thiệu một bài toán có liên quan tới thực tế cuộc sống, rất cần cho học sinh tiểu học.
Đề Toán : Ông lớn Phạm Công Danh và đồng phạm làm thất thoát 9 ngàn tỉ đồng. Có ý kiến cần thu hồi số tiền ấy và cho sinh viên vay để họ học cho hết bậc Cao Đẳng hoặc Đại học, mỗi sinh viên được vay 6 triệu đồng một khóa học.
Câu 1. Có bao nhiêu sinh viên được vay tiền ? (Đáp số: 1.500.000 sinh viên)
Câu 2. Ra một đề toán tương tự như đề trên, với tên tuổi có thật có thể bị truy cứu về tội "gắp lửa bỏ tay người?
Đọc qua đề, có thể dễ dàng thấy PGS Văn Như Cương đã "mắc bệnh" quan liêu.
Tuy nhiên sự "quan liêu" ấy thật thâm thúy: Đề thi dành cho "học sinh tiểu học" nhưng lại khiến bố mẹ, ông bà chúng cũng như các nhà toán học, khó có thể giải.
Trong vụ án Phạm Công Danh mà PGS Cương nhắc đến, quả thật có những bài toán cực khó nhưng lại được các bị cáo lại giải một cách ngon lành theo kiểu học sinh tiểu học.
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân (Giám đốc Công ty Hương Việt) đã bật khóc tu tu trước tòa, khai rằng trước đây mình là nhân viên bán xe của Tập đoàn Thiên Thanh chỉ với mức lương 7 triệu đồng/tháng.
Theo lời khai của Vân: Một ngày đẹp trời, em trai của Phạm Công Danh đã đưa cho Vân một "đề thi tiểu học": Đó là nhờ Vân đứng tên giám đốc công ty giúp Danh.
Khi Vân nói không biết làm giám đốc thì Trung nói chỉ cần đưa chứng minh nhân dân và ký giấy tờ để làm thủ tục.
Bài toán làm giám giám đốc được ê kíp giải rất nhanh: Nhân viên quèn + chứng minh thư = Giám đốc.
Trước vành móng ngựa, Vân phải giải "đề thi tiểu học" của Tòa: Bị cáo nói chẳng biết gì nhưng bị cáo có biết nếu không có chữ kỹ của bị cáo thì 400 tỉ sẽ không bị rút?
Trong nước mắt, "nữ giám đốc 400 tỉ" ấy đã đưa ra đáp số khác khiến các nhà toán học đầu hàng:Không biết gì + tin tưởng + 1 chữ ký = 400 tỉ (gấp 57.000 lần mức lương 7 triệu/ tháng trước đó của Vân).
"Bị cáo có ký các giấy tờ trên nhưng không biết gì hết. Bị cáo quá tin anh Danh, quá tin tập đoàn chứ không biết, không bàn bạc hưởng lợi gì hết" – Vân nói.
"Chiêu thức không biết gì" của giám đốc Vân trong đại án 9.000 tỉ có vẻ cũng đang được áp dụng nhuần nhuyễn tại mấy thôn nghèo đến xác xơ ở Hậu Lộc, Thanh Hóa.
Một năm hai lần, các cán bộ thôn Lộc Tiên (Hải Lộc), Thái Hòa (Hưng Lộc) đều đè nghiến dân xuống thu tới hàng chục khoản đóng góp/ mỗi vụ.
Dù là người cùng thôn, nhưng các công bộc này không cần biết ai là cụ già hơn 80 tuổi nằm liệt giường, ai là em bé đỏ hỏn mới chào đời.
Vì thế, nên có bà cụ nằm bẹp trên giường nhiều năm nay không ra hội trường thôn, lẫn đứa trẻ sinh cuối năm 2015 đang nằm nôi, chưa biết cái hội trường tròn méo thế nào, đều phải oằn lưng đóng quỹ xây dựng hội trường.
Bà Chinh, một nông dân khốn khổ đã kêu trời trước "bài toán tiểu học" mà tôi tạm diễn giải theo tinh thần ra đề của PGS Văn Như Cương:
Mỗi người dân phải trực tiếp lao động đắp đất. Nếu không trực tiếp lao động, phải đóng 50.000 tiền "quỹ đắp đất dự trữ".
Nhà bà Chinh có 4 người. 3 người lớn bận việc, không đi đắp đất được. Cháu bé 4 tháng tuổi, dù đã rất cố gắng, nhưng cháu cũng không thể bò ra đồng trực tiếp đi đắp đất.
Hỏi nhà bà Chinh phải đóng bao nhiêu tiền?
Đáp số: 4 người x 50.000đ = 200.000đ
Con gái lớp 2 của tôi giải bài toán này trong 2 phút, nhưng tôi cam đoan: GS Ngô Bảo Châu chắc chắn không thể đưa ra đáp số đúng.
Bộ não ưu việt của GS Châu không thể phân tích được cái công thức đã đi ngược lại tất cả các quy luật toán lý hóa sinh…, và dĩ nhiên, cả quy luật của thượng đế: Một đứa trẻ 4 tháng tuổi có nghĩa vụ đi … đắp đất.
Dân nghèo, quan tham và bài toán tiểu học khiến GS Ngô Bảo Châu, PGS Văn Như Cương bó tay

2. Bệnh viện "vừa cứu người vừa hại người"
Có một "bài toán tiểu học" đau lòng khác vừa được công bố.
Đó là nhiều năm nay, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An xả thải ra môi trường với mức độc hại vượt hàng chục lần mức an toàn cho phép.
Ung thư đang trở thành một đại dịch ở Việt Nam.
Ô nhiễm môi trường cũng đang là một hiểm họa.
Bệnh viện Ung bướu là nơi chữa ung thư, nơi các thầy thuốc chuyên trừ bệnh cứu người.
Thế nhưng suốt thời gian rất dài, các cán bộ chức năng của Bệnh viện nhắm mắt, chấp nhận đầu độc môi trường và gây nguy cơ lây nhiễm bệnh tật cho dân một cách âm thầm, vì "không có giải pháp nào khác trong khi chờ sự đầu tư dự án để làm mới nhà máy xử lý nước thải".
Bệnh viên có thể chờ dự án, còn thần chết và bệnh tật, hình như chưa bao giờ có thói quen chờ nạn nhân. Vì thế, những người sống xung quanh bệnh viện Ung bướu Nghệ An, có lẽ thấu hiểu hơn ai hết câu: "Trời kêu ai người ấy dạ".
Vì vậy Chữa bệnh + Gây ra bệnh = Bệnh viện có thể trở thành phép toán gây buồn bã nhất, không chỉ với các nhà toán học.
Một "bài toán tiểu học hay của thập kỷ" cũng vừa được ông Chủ tịch Thanh Hóa xới xáo lại trong một cuộc họp báo.
Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh đã giải thích việc Sở NN&PTNT tỉnh này có tới 8 PGĐ Sở (trong khi quy định hiện hành không quá 3 PGĐ), bằng những lý do hết sức "nhân văn".
Thứ nhất, theo ông Xứng, có 1 PGĐ Sở là do "lịch sử để lại" – nghĩa là do Bộ cử về tiếp cận cơ sở. (Nghe lý luận này, cư dân mạng bình luận: Ô, thế Bộ cử về thì ông PGĐ sở đó không phải làm việc hay sao, không phải trả lương hay sao?)
Thứ 2, có 1 PGĐ Sở kiêm chi cục trưởng Kiểm lâm. "Thực tế ông này không điều hành với tư cách PGĐ Sở mà chỉ điều hành Kiểm lâm". (Độc giả bình luận: Ô, thế thì bổ nhiệm PGĐ Sở làm gì nhỉ?)
Vì 2 ông là "do lịch sử để lại" nên Sở này chỉ còn có vỏn vẹn…6 PGĐ Sở khác giúp việc cho GĐ.
Theo các vị lãnh đạo, vì Thanh Hóa có nhiều đặc thù như diện tích rộng quá, nông nghiệp nhiều quá, nên việc thiết kế thêm ghế PGĐ sở là rất hợp tình hợp lý, là thể hiện tầm nhìn.
Ở Việt Nam, "đặc thù" là cụm từ rất ảo diệu cho các phép biến hóa. Chính vì thế "Bài toán phép cộng tiểu học" của Thanh Hóa có thể tạo nên trào lưu học tập tưng bừng của các địa phương khác.
Nếu áp dụng phép cộng thần diệu này, sau "đặc thù" sáp nhập với tỉnh Hà Tây, Hà Nội sẽ đủ luận cứ để đòi gấp đôi số ghế lãnh đạo – điều mà thủ đô đã phải vật vã mấy năm mới giảm được.
TP.HCM cũng có thể xin hơn gấp đôi số lãnh đạo các sở về quy hoạch, đô thị, văn hóa, du lịch…vì "đặc thù" dân số của thành phố này hơn gấp đôi dân số Thanh Hóa.
Sở Nông nghiệp Hà Giang cũng có thể xin thêm PGĐ chuyên nghiên cứu canh tác trên... đá vì có "đặc thù" cao nguyên đá.
Sở Nông nghiệp Khánh Hòa có thể lắp thêm ghế PGĐ "đặc thù" chuyên chỉ đạo nuôi trồng ở… đảo, vì tỉnh này có cả quần đảo Trường Sa. Dĩ nhiên, Đà Nẵng có Hoàng Sa, không lẽ lại chịu thiếu ghế???
Sở Nông nghiệp Cà Mau có thể xin thêm PGĐ Sở "đặc thù", điều hành công tác về rừng ngập mặn…
Cái sự lo cho đại cục ở Thanh Hóa, tạm gọi là lo xa. Còn cái sự vun vén gia đình mình như đại tá Hồ Phi Thắng đang làm, gọi một cách nhân văn là lo cho "tiểu cục". Hàng chục phạm nhân thụ án tại trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai đã được đưa thẳng tới "công trường lao động đặc thù": Xây biệt thự cho đại tá Hồ Phi Thắng, giám thị trại giam này.
Mặc dù, khi bị phát hiện, đại tá Thắng thừa nhận việc này là phản cảm. Nhưng có lẽ "bài thi toán tiểu học" trong vụ này quá dễ giải, do "đặc thù" đơn vị quản tù, nên ông vẫn chặc lưỡi chấp nhận việc làm sai nguyên tắc.
Đại tá Thắng đưa ra thông điệp rất nhân văn: "Anh em thấy tôi cống hiến với ngành nên đưa phạm nhân ra phụ giúp, xem đó như là tình nghĩa với tôi. Tháng 10.2016 ông Thắng nghỉ hưu nên việc ông "lo lắng cho tiểu cục" cũng dễ hiểu.
Chúng ta hãy rời biệt thự xây dở hoành tráng của đại tá Thắng để quay trở về "đại cục". Đó là hiện thế giới còn tới 6 bài toán thế kỷ, đang thách thức người giải.
Bỏ qua chuyện cá nhân, thì bài toán của đại tá Thắng, có đáp số khiến là không ít VIP hiện nay hài lòng. Nó có thể trở thành thách thức thế kỷ đối với các nhà toán học.
Có bao nhiêu đáp số đúng cho bài toán ấy: Phản cảm một tí + Sai nguyên tắc một tí + chuyến tàu vét một tí + hoàng hôn nhiệm kỳ một tí = Tình nghĩa một tí.
3. GS trái đất và "người ngoài hành tinh"
Hai ngày trước, dư luận toàn cầu đã nổi sóng chỉ vì một cái bóp (ví) trị giá…11 trị USD (khoảng 250 ngàn VNĐ) được phu nhân Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cầm theo khi tới nhà Trắng trong chuyến thăm Mỹ.
Bà Hà Tinh, người luôn có mặt trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất suốt 12 năm qua của Forbes, đang là Giám đốc điều hành Temasek Holdings (Singapore), một quỹ đầu tư khổng lồ có giá trị tới 66 tỉ.
Chiếc ví 11 USD bà cầm, là sản phẩm của một thanh niên tự kỷ, được bà mua ủng hộ.
Ở Việt Nam có khoảng 200.000 trẻ tự kỷ.
Tôi thật lẩn thẩn khi tự dưng lại mơ đến bài toán của PGS Cương: Nếu Phạm Công Danh và chiến hữu dùng 9.000 tỉ để mua bóp 11 USD ủng hộ người tự kỷ, thì sẽ được bao nhiêu cái bóp được bán? Bao nhiêu người tự kỷ có thêm cơ hội chữa bệnh?
Tôi đã chứng kiến vài sinh nhật trong xóm nhà lá ven sông Hồng, giữa Thủ đô Hà Nội.
Nơi ấy, có những đứa trẻ 8,9,10,11 tuổi chỉ mới nhìn thấy cảnh thổi nến sinh nhật… trên tivi và lần đầu tiên được nếm bánh gato do một đoàn từ thiện mang tới.
Với một buổi sinh nhật có giá 100 ngàn như vậy, bọn trẻ sẽ không thể nào hiểu được tại sao một bữa tiệc sinh nhật lại có giá tối thiểu 550 triệu đồng.
Dưới thời ông "quan ngã ngựa" Trịnh Xuân Thanh cai trị PVC, một nhân viên công ty con đã 4 lần rút tiền từ quỹ với tổng cộng hơn 750 triệu đồng, trong đó sử dụng gần 550 triệu đồng để chi "sinh nhật bố sếp Thanh ở TCty".
Nhân viên "tình nghĩa và chu đáo" với bố sếp đến mức ấy, chắc trên thế giới cũng hiếm, chứ nói gì đến ở nước nghèo như Việt Nam.
Ở Việt Nam, liệu có công thức toán học vi diệu nào giúp những người quản trong tay 66 tỉ USD như bà Hà Tinh, vẫn có thể nói không với "sinh nhật bố của sếp" và nói không với nhiều đồ siêu xa xỉ?
Có công thức nào để công bộc hành xử giống người đứng đầu quốc đảo hùng mạnh - Thủ tướng Lý Hiển Long (chồng bà Hà Tinh): Đi họp hội nghị thượng đỉnh APEC bằng máy bay giá rẻ?
Trong phiên tòa xử đại án 9.000 tỉ, bà Hứa Thị Phấn, đại diện cho một nhóm cổ đông, đã ngậm ngùi "Tôi rất thương anh Danh".
Người có "công đầu" làm thiệt hại 9.000 tỉ như Danh, vẫn có người thương đến như vậy, thì đúng là cuộc sống này thật vi diệu.
Liệu có công thức toán học vi diệu nào cho ra đáp số: Những quan tham, tha hóa như Danh, như Dương Chí Dũng, Huyền Như… biết đoái thương số phận những người tự kỷ, những nông dân nghèo kiết xác, quanh năm bán mặt cho đất (thu nhập cả năm chỉ bằng một chai rượu ngoại trên bàn tiệc đầy phè), nhưng vẫn bị đè cổ thu tô?
Nguyên phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa, ông Lê Văn Cuông đã chua chát trước cảnh đè nghiến dân xống để thu tô của những công bộc đồng hương:
"Dường như cho thấy đang có sự xuất hiện trở lại của một bộ phận cường hào, ác bá thời phong kiến ở nông thôn trong thời kỳ văn minh này.
Họ đè đầu, cưỡi cổ người dân, tận thu bằng mọi giá, từ những đứa trẻ mới sinh ra chưa biết gì, đến các cụ già nằm liệt và khi không thu được đủ thì lại có động thái là o ép, ức hiếp người dân".
Một vị nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa khác, ông Lê Nam cũng đã phải kêu trời khi thấy nông dân bị cán bộ bóc lột xơ xác: "Tại sao lại có những cán bộ đến thế kỷ thứ 21 rồi mà còn làm ăn theo kiểu như người ngoài hành tinh thế?".
Tiếng kêu của ông Lê Nam có thể làm chúng ta sực tỉnh. Nó là chìa khóa giải đáp được đề thi: Tại sao các nhà toán học hàng đầu lại chấp nhận đầu hàng trước nhiều "bài toán cuộc sống trình độ tiểu học" ở Việt Nam?
Đáp án: Tại vì GS Ngô Bảo Châu và PGS Văn Như Cương chỉ là "người trái đất".
Mà người trái đất làm sao giải được đề toán của những "người ngoài hành tinh" đang trà trộn ở các vùng quê nghèo như Hậu Lộc, Thanh Hóa và đang bền bỉ đục khoét trên nhiều chiếc ghế bổng lộc?
Theo Tri thức trẻ

Không có nhận xét nào:

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác

Được tạo bởi Blogger.