Điện thoại đã và đang dần dần thay thế nghĩa vụ của một con người

Sống trong thời đại mà công nghệ thông tin đang phát triển rất nhanh, hầu hết mỗi người trong số chúng ta đều đang sở hữu ít nhất một cái điện thoại để làm phương tiện liên lạc và giải trí cho chính bản thân mình. 
Chắc chắn rằng trong số các bạn đã từng chứng kiến cảnh một người một người nông dân khi đang đi cày đang nói chuyện với một ai đó qua điện thoại, hoặc những người đi lượm ve chai lúc nào cũng luôn mang theo bên mình những chiếc điện thoại “cục gạch”, để có thể nhắn tin và gọi điện cho những người liên quan.
Và các bạn cũng thấy rất bình thường khi ai đó dùng những chiếc điện thoại mạ vàng với giá trị hơn trăm triệu đồng, và mục đích cuối cùng điện thoại cũng chỉ để làm phương tiện liên lạc với mọi người.
Ngoài hai chức năng cơ bản là gọi điện và nhắn tin, chúng ta còn có thể sử dụng smartphone để gửi email, truy cập internet, chơi game, nghe nhạc giải trí, sử dụng các trình chat như Skype rồi Viber mà chẳng tốn một đồng cước điện thoại nào. Kèm theo đó là vô vàn những chức năng thú vị khác – góp phần giúp cho việc cập nhật thông tin và cách thức làm việc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, vì nó rất nhỏ gọn và tiện dụng, có thể thay thế PC/Laptop khi cần.
Và tất nhiên với những người trẻ tuổi thì việc chọn cho mình những chiếc điện thoại thông minh smartphone đương nhiên không phải chỉ để nghe và gọi, họ dùng điện thoại với nhiều mục đích khác nữa, chẳng hạn như việc lướt web, facebook, chơi các loại trò chơi giải trí vô bổ khác nữa. 
Và những điều nêu trên, chỉ mới là một mặt của vấn đề.
Trước đây khi chưa có điện thoại thông minh đa chức năng smartphone, người ta thường tụ tập ở những quán nước yêu thích để tận hưởng đồ ăn tuyệt hảo, hương vị ngọt ngào của các loại đồ uống và trò chuyện vui vẻ cùng nhau cả buổi.
Vậy mà chẳng biết từ khi nào, họ lại í ới rủ nhau đi ăn đi uống tại một quán nào đó chỉ để … tụ tập ngồi cùng bàn. Việc đầu tiên mà tôi thường thấy nhiều bạn trẻ hay làm đó là … hỏi password wifi của quán trước, rồi mới bắt đầu cầm thực đơn gọi món. Sau đó mạnh ai đồ người nấy xài – smartphone, máy tính bảng, laptop cứ thể có mặt lần lượt trên bàn, chẳng ai nói với ai thêm lời nào nữa. Cùng lắm cũng chỉ là những câu hỏi xã giao cho có lệ. Tiếp theo đó, họ bắt đầu chụp hình các kiểu để up lên Facebook và Instagram, rồi trả lời các comment của bạn bè …
Cái hình ảnh đi cà phê mỗi người một việc đó cứ lặp đi lặp lại mãi, trở nên quá quen thuộc tới mức nó đã trở thành trào lưu và thói quen của giới trẻ. Tuy nhiên, việc quá phụ thuộc vào công nghệ nó đã vô tình tạo ra khoảng cách với những người xung quanh – dù họ chỉ cách mình có một cánh tay.
Không khí đó khiến tôi cảm thấy lạc lõng vô cùng! Lạc lõng giữa những người lạ đã đành, đằng này còn lạc lõng giữa chính những người thân thuộc đang ngồi ngay trước mặt mình!
Hễ cứ tới sinh nhật ai thì chỉ việc lên chia sẻ vài câu chúc mừng trên facebook, thế là xong. Hễ muốn trò chuyện với ai chỉ việc comment hoặc inbox cho nhau, thế là xong. Hễ muốn chia sẻ tâm tư tình cảm của mình, chỉ việc post status lên là sẽ có nhiều like và comment đồng cảm, thế là xong.
Sống thật trong thế giới ảo, sống ảo trong thế giới thật. Cứ như thể điện thoại đã và đang dần dần thay thế nghĩa vụ của một con người …
Điện thoại đã và đang dần dần thay thế nghĩa vụ của một con người

Nhưng dù smartphone có hiện đại và thông minh thế nào đi chăng nữa, chúng cũng không thể thay thế được tình cảm vui buồn, không thể thay thế được mối quan hệ giữa con người với nhau, không thể thay thế được những điều đang diễn ra sống động xung quanh hàng ngày. Đó là lý do tại sao mà robot không thể hoàn toàn thay thế con người được…
Vì có mấy khi gặp mặt nhau mà cười đùa vui vẻ và ôn lại kỷ niệm? Vì có mấy khi nhìn ngắm dòng người đông đúc qua lại trong không gian yên bình? Vì có mấy khi hơi ấm của người ta yêu thương lại kề bên ta như lúc này?
Vậy nên, hãy đặt chú “dế cưng” xuống bàn một lúc và trò chuyện với những người thân quen đi nào!

Không có nhận xét nào:

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác

Được tạo bởi Blogger.