Chờ đợi không phải vì người khác, mà là vì chính mình

Nhiều người luôn cho rằng trong cuộc sống hiện đại ngày này không có chỗ cho sự chờ đợi, bởi vì chờ đợi không phải là một giải pháp, mà có khi nó chỉ làm người ta đau khổ hơn. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng sự chờ đợi là vô vọng nhưng vẫn cứ chờ. Bởi ở khía cạnh nào đó, nếu có niềm tin thì sự chờ đợi cũng đồng nghĩa với hy vọng.

Cuộc sống là biết ... chờ đợi!

Cuộc sống này vẫn luôn vội vã và tấp nập, tại sao cuộc sống lại hối hả đến vậy? Đơn giản, bởi vì chính chúng ta vội vã và tấp nập, bạn và tôi cùng tất cả chúng ta chính là cuộc sống.

Ai cũng bảo: "Sống là không chờ đợi"! Nhưng có thật chúng ta sống mà không chờ đợi được ư? Tôi từng đọc ở một cuốn sách nào đó trong lúc lật thoáng qua: "Không chờ đợi không phải là người!"

Chờ đợi không phải vì người khác, mà là vì chính mình
Chờ đợi không phải vì người khác, mà là vì chính mình

Chờ đợi là lo lắng cho bản thân và cho những người xung quanh!

Hàng trăm ngàn học sinh đi thi, họ chờ đợi suốt 12 năm hoặc còn hơn thế để cho hai ngày gay go và đầy lo lắng. Cha mẹ lo lắng chờ đợi con cái cũng suốt 12 năm hoặc còn hơn thế. Đi thi thì kẹt xe, đi về thì tắc đường, phải đi chầm chậm, phải kiên nhẫn nhích dần từng cm, phải chờ đợi để không xảy ra điều đáng tiếc, không xảy ra điều gì với con cái và người xung quanh..

Chờ đợi là tôn trọng lẫn nhau!

Trong cuộc sống gia đình, có lúc cha mẹ nóng nảy, thậm chí đánh mắng con. Thay vì con bỏ đi thì con ngồi lại im lặng chờ đợi cho cơn giận đi qua, ngồi lại bên cha nói chuyện. Ngược lại, con cái nói lời không phải trong lúc nóng giận không kiềm chế được mình, cha mẹ chờ cho con dịu đi, ngồi lại bên con.

Chờ đợi là hy sinh, là tình yêu!

Những người yêu nhau, cách xa nhau cả chiều dài đất nước, cách xa cả hai cuộc chiến tranh. Những người phụ nữ ở nhà tần tảo nuôi con, chờ ngày đất nước hòa bình, chờ đợi ngày người thân yêu trở về.

Sao lại bảo sống là không chờ đợi! Nếu không có chờ đợi, tình yêu chẳng thể nào trọn vẹn.

Chờ đợi là yêu thương, là cưu mang sự sống!

Những mầm cây non nớt, được đất mẹ ấp ủ từng ngày, không giục giã. Mầm non dần lớn lên, gió cũng chờ từng ngày, sương cũng chờ từng đêm.

Không biết chờ đợi không phải là người!

Nếu ai từng đọc "Câu chuyện dòng sông" của Hermann Hesse thì chắc hẳn biết vì sao Tất Đạt có thể vượt qua mọi khó khăn, bởi vì ba khả năng: Biết suy nghĩ, biết nhịn đói và biết chờ.

Biết nghĩ để phân biệt đúng và sai, thật và giả, tạm thời và bền lâu.

Biết nhịn đói để không bị cái đói điều khiển mình mắc bẫy, nuốt nhầm chất độc, chất bẩn.

Biết chờ để không bị lòng si mê, nóng giận, tham lam sai khiến, đẩy mình vào sai lầm và vội vã.

Cả ba xét cho cùng cũng chỉ là biết chờ: Suy tư là khả năng chờ đợi của trí tuệ, không vội vã kết luận điều gì mà chờ cho đủ chứng cứ từ nhiều phía. Nhịn đói là cái chờ của thể xác, biết kiềm chế cơn thèm khát. Kẻ tồn tại là người biết chờ và biết nhịn.

Sống càng gấp, thì sự chờ đợi càng hiếm, càng quý.

Đợi nhau, là thứ cuối cùng mà đất này còn có thể làm, dẫu nhiều khi không biết đợi ai và đợi để làm gì.

Mỗi tuần, anh đợi con đi học 2 tiếng đồng hồ. Hoàn toàn không nóng vội. Bởi vì 2 tiếng sau, thằng bé bước ra đã trưởng thành hơn một chút. Nhiều tuần một chút như thế, anh không còn cơ hội đợi để dắt tay nó nữa, đơn giản vì nó đã lớn rồi.

Cho nên đợi, là thứ đẹp và tử tế. Đợi không hẳn phải vì Người, mà chính là vì Mình. Đợi - để giữ được cái bình ổn, cái tín nghĩa của mình. Anh tin là thế. 

Xin được kể lại câu chuyện sau:

Ngồi cà phê sáng với mấy ông anh. Một ông đi xe Mercedes đến sau, trước cửa quán có đúng chỗ trống đủ đỗ xe, nhưng một bác đi Cup đang tấp vào nghe điện thoại. Ông Mercedes đỗ sau đít bác Cub, cứ thế đợi. Một lúc, bác Cup gọi điện xong, nổ máy đi tiếp, ông anh mới từ từ đỗ xe, vào quán.

- Sao anh không bấm còi?

- Người ta đến trước, mình đến sau mà, thì phải đợi thôi. Đâu phải mình đi ô tô thì có quyền đuổi người ta?

Tay Mercedes này công tử Hà Thành, ăn chơi ngất trời chưa thấy kém phần ai về khí chất. Khen hắn ở cái khí chất, chính là từ những thứ tưởng nhỏ nhặt như thế, chứ không phải cái đồng hồ tiền tỉ hay những chiếc sơ mi nghìn đô.

Vẫn ông Mercedes, kể chuyện đợi chờ tử tế ở Hà thành. Hôm ấy hắn ngồi nhậu ở ngõ Hàng Hương, cái ngõ tên thì thơm nhưng chục năm nay nổi danh mắm tôm ăn với lòng dồi. Xế trưa nắng quái, mệt mỏi nhìn sang đối diện thấy một ông đi SH phóng về, đến cửa nhà thì khựng lại. Dưới mái hiên có chút bóng râm nhà ông SH, mấy chị hàng rong, đồng nát, đang che nón ngả lưng. Ông SH khẽ khàng dựng chân chống xe đấy, sang quán trà đá bên cạnh ngồi hút thuốc lào vặt. Chừng nửa tiếng sau, mấy chị quang gánh lục tục gọi nhau dậy, lại quảy quả mà đi. Lúc ấy ông SH mới mở cửa dắt xe vào nhà.

Chuyện này ông Mercedes kể nhiều lần, lần nào nghe cũng xúc động - thứ xúc động vặt của mấy thằng cớm nắng Hà Nội thương cần lao kiếm ăn vất vả ngoài kia.

Hà Nội giờ còn gì? Hỏi câu này khó. Đến Tháp Rùa cũng chói mắt vì đèn, đến kem Tràng Tiền cũng đầy ứ họng vì sữa, đến cá hồ Tây cũng tự tử hàng loạt vì bao cao su.

May ra thì còn một ít hoa sữa độ tháng ba đợi loa kèn tháng tư, ít xôi lúa bán vội đợi người dậy sớm, vài bà cụ già gội đầu bồ kết đợi ấm nước sôi, vài ông cụ đánh cờ mạn Bờ Hồ đợi đối thủ nghĩ cho hết nước, và mấy hàng phở ninh xương bò bán lầm lũi lúc giờ Tí canh Ba đợi những khách quen mồm ... Đều là những thứ đang đợi ngày biến mất.

Làm người phải biết chờ đợi!

Vâng thưa các bạn! Điều thú vị nhất tạo nên cuộc sống chính là chúng ta không thể đoán trước được tương lai vì thế ta không thể khẳng định được rằng sự chờ đợi này của ta là vô ích hay là một phép màu. Nhưng có một điều tôi muốn các bạn ghi nhớ, đó là... sống là biết chậm, biết chờ nhưng cũng phải biết chạy!

Không có nhận xét nào:

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác

Được tạo bởi Blogger.