Kiến ba khoang là gì và những cách phòng tránh kiến ba khoang

Thời tiết đang vào mùa mưa, bão, lũ lụt cũng chính là mùa sinh sản mạnh của các loài côn trùng, trong đó có loài kiến ba khoang (tên khoa học là Paederus fuscipes).

Kiến ba khoang thực chất là một loài bọ cánh cứng, nhưng do có thân hình giống kiến và màu sắc phân bố xen kẻ cam – đen nên dân gian thường gọi là kiến ba khoang.

Vào mùa mưa, Kiến Ba Khoang di chuyển đến các vùng khô ráo, theo ánh đèn bay vào nhà.

Trong thân kiến có chất Pederine, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn, chỉ có thể gây cháy, bỏng da giống như chất cangtadin của sâu ban miêu và chất phospho ở "con giời.

Kiến ba khoang là gì và những cách phòng tránh kiến ba khoang

Kiến ba khoang không tấn công mà do con người vô tình tiếp xúc với chất độc trong cơ thể kiến gây nên viêm da dị ứng.

Các tình huống mà con người có thể tiếp xúc với chất pederin: Cố tình hoặc vô tình đập chết kiến khi chúng bò trên cơ thể, khi kiến bò lên khăn, quần áo đang phơi, con người sử dụng khăn hoặc quần áo này và vô tình chà xát kiến lên cơ thể, gây phóng thích chất độc lên da người.

    Một số dấu hiệu nhận biết khi tiếp xúc chất độc của kiến ba khoang:

    - Mức độ viêm da từ nhẹ đến nặng tuỳ theo độc chất của kiến ba khoang xâm nhập qua da.

    - Dấu hiệu trên da có nhiều dạng: rát đỏ, thành vệt, thành đám,...

    - Phần da có mụn nước, mụn nhỏ li ti ở giữa,..

    - Các tổn thương sẽ tiếp tục xuất hiện nếu người bị cắn gãi ngứa quệt ra vùng da lành.

    - Có thể gặp cảm giác rát bỏng tại chỗ, có thể sốt nhẹ, nổi hạch.

    Khi tiếp xúc với chất độc kiến ba khoang phải làm sao?

    - Nếu phát hiện vừa tiếp xúc với dịch tiết của kiến thì nhanh chóng rửa chỗ tiếp xúc dưới vòi nước hoặc cồn 70°.

    - Khi vùng da đó bắt đầu thấy đau, rát thì dùng các dung dịch dịu da, sát khuẩn nhẹ như dung dịch Jarish, oxyd kẽm, mỡ kháng sinh rồi đến các cơ sở y tế để được chỉ định điều trị thêm.

    - Lưu ý tuyệt đối không sử dụng tự ý mua thuốc điều trị theo hướng zona hoặc giời leo, tự ý bôi các thuốc màu , lá cây hoặc sử dụng các biện pháp dân gian khác làm cho vết thương bị loét, lan rộng thậm chí nhiễm trùng.

    Các biện pháp phòng tránh kiến ba khoang:

    – Buổi tối khi sinh hoạt hoặc làm việc dưới ánh đèn cần phải đóng cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở các khu vực cửa sổ có lỗ thoát khí.

    – Buông rèm che ánh sáng lọt ra ngoài thu hút kiến ba khoang.

    – Các khu nhà ở chật hẹp như: ký túc xá hoặc khu nhà ở của công nhân gần các khu công nghiệp, ở gần nơi có nhiều cây cỏ, bụi rậm, đồng ruộng vừa mới gặt xong cần vệ sinh môi trường, gom xác cây mục, cỏ khô đem đốt để xua đuổi côn trùng.

    – Sử dụng bình xịt côn trùng gia dụng, xịt vào các chân tường, bậc cửa ra vào, cửa sổ để ngăn kiến bò vào nhà.

    – Sử dụng các loại bẫy đèn để dẫn dụ và bắt kiến, không cho kiến vào nhà.

    – Khi kiến rơi hoặc bò lên da không nên dùng tay giết mà nên thổi cho kiến bay đi tránh để dịch tiết của nó dính vào da.

    – Trước khi sử dụng khăn lau hoặc quần áo thì chúng ta phải xem xét kỹ, nếu phát hiện có kiến thì nhẹ nhàng di chuyển chúng ra khỏi đồ dùng (dùng 1 tờ giấy cho kiến bò sang rồi di chuyển chúng sang nơi khác).

    TS. BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

    1 nhận xét:

    1. Trời ơi con kiến loại này thật là kinh khủng luôn ấy. Mình đã từng bị nó cắn sưng vù luôn ấy đáng sợ lắm cơ

      Trả lờiXóa

    Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác

    Được tạo bởi Blogger.