Dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan - Tấm gương vượt khó đầy ý chí và nghị lực

Trong cuộc sống, khó khăn đã khiến nhiều người gục ngã, nhưng cũng có người coi những chuyện không may xảy đến là một cơ hội để vượt lên chính mình, họ xem “đêm tối” đến là cơ hội để họ có thể được ngắm nhìn những vì sao đêm lấp lánh.
Có những con người bằng ý chí và nghị lực, bằng niềm tin và sự lạc quan, họ đã vượt qua mọi nghịch cảnh mà tưởng chừng như không thể. Bằng ngọn lửa khao khát được sống, được cống hiến một cách mãnh liệt. Họ đã vùng vẫy, đấu tranh thoát khỏi vòng vây của số phận nghiệt ngã để rồi họ đặt bước chân trên lễ đài vinh quang. Họ là những bông hoa đẹp nhất tô sắc cho đời. 
Một trong những bông hoa đẹp ấy chính là dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan, người luôn miệt mài với sự nghiệp sáng tác và dịch thuật, bất chấp nỗi đau đớn của căn bệnh loạn dưỡng cơ để trở thành một dịch giả, nhà văn chuyên nghiệp.
Dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan - Tấm gương đầy ý chí và nghị lực
Nhà văn Nguyễn Bích Lan sinh năm 1976 tại Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, là con thứ hai trong gia đình có 3 chị em.
Hồi bé chị xinh xắn, dễ thương. Tuổi thơ chị đầy ấp tiếng cười đùa, những ngày cắp sách đến trường của chị luôn đong đầy bóng chữ và một thế giới văn chương lung linh mà chị đã đọc vụng trộm từ tủ sách của người ông, chị là cô bé ham học, ham đọc; chị đọc tất cả những chữ mà chị nhìn thấy ở bất cứ đâu, từ mẫu giấy báo cũ, chữ in trong sách giáo khoa, chữ nổi in trên đôi dép lê.
Có hôm trống trường đã điểm từ lâu mà bà vẫn chưa thấy chị về nhà, lo có chuyện không hay xảy ra, bà liền đi tìm và cuối cùng thấy chị đang mải mê đánh vần những con chữ trên băng thông báo ở ủy ban xã. Chị ham học và cũng ham chơi.
Những trò chơi thời thơ ấu như là vật nhau trên những đống rơm vẫn còn thơm nồng mùi hương đồng nội đến trò thổi dây thun nhiều màu sắc làm cho quần áo, mặt mũi bị lấm lem bụi bẩn. Tuổi thơ chị ham chơi tưởng chừng như quên cả ngày tháng. Và có lẽ chăng trong tiềm thức sâu thẳm, có điều gì đó thúc giục chị hãy cứ vui chơi theo ý muốn, cứ chơi hết mình, chơi bất cứ lúc nào có thể.
Chị hồn nhiên đi qua tuổi thơ rồi chạm vào cánh cửa tuổi 13, tuổi thấp thoáng bóng dáng người thiếu nữ, tương lai nào đang đợi chị - cô bé được khen là xinh xắn, nhanh nhẹn, ham học và học giỏi?
Nhưng bỗng chốc sự bình yên sụp đổ, chôn vùi đi cảm xúc xốn xang mới vừa chớm nở trong tâm hồn trong veo. Bánh xe cuộc đời chị đã quay ngoắt 180 độ, rẽ từ con đường mang hai tiếng Hy vọng sang một lối khác đó là vực thẳm của sự tuyệt vọng.

Lẽ ra ở cái tuổi ấy cơ thể chị phát triển tiếp tục lớn, nhưng ngược lại chị lại gầy đi, trong vòng chưa đầy ba tháng, chỉ mất đến 1/3 trọng lượng cơ thể, từ 40 kg mà bây giờ chỉ còn 28 kg. Những biểu hiện bất thường về vận động dần xuất hiện, chị cảm thấy cơ thể mình trở nên cứng nhắc, và điều tồi tệ là chị không thể chạy được nữa, cơ thể trở nên bủn rủn, run rẩy, hai cánh tay không còn cử động dễ dàng, muốn lấy vật gì chị phải lấy tay này nâng tay kia để giữ vật đó dù vật đó có nhẹ như quyển sổ, cây bút hay viên phấn mà mẹ chị làm rơi.
Chị bắt đầu đối mặt với những cú ngã ngoài tầm kiểm soát, có khi đang bước đi bình thường, chị bỗng khuỵu gối và ngã sóng xoài trên mặt đất, rồi nhiều lần đạp xe đến trường, chị bị ngã nhào xuống ruộng mà không hiểu nguyên nhân vì sao.
Cứ mỗi lần ngã, chị hoàn toàn không có khả năng chống đỡ, và phải xoay sở vất vả mới gượng dậy được. Những cú ngã cứ liên tiếp xảy đến, những cú ngã không những làm chị đau đớn về thể xác mà con đau đớn về cả tinh thần.
Sau những cú ngã như thế, chị buồn lắm, chị âm thầm khóc, những lúc đó, con người chị trở thành hai nữa, một nữa không muốn tiếp tục chịu đựng những cú ngã, không muốn chịu đựng nỗi đau đớn và cảm giác xấu hổ, nữa còn lại cố gắng vươn lên níu lấy niềm say mê học tập, niềm vui ở trường lớp, bạn bè. Hai nữa con người chị đã đấu tranh quyết liệt và kết quả vì sự khao khát được sống đã giúp cho phần thứ hai giành chiến thắng.
Giờ đây, mỗi lần vào lớp học, chị phải bò, phải lết lên những bậc thềm dẫn vào lớp học, mỗi lần như thế, nước mắt chị lại ứa ra, ý thức về sự khác biệt của bản thân so với mọi người như một lưỡi dao cứa vào lòng chị. Tình trạng sức khỏe của chị ngày càng tồi tệ hơn. Móng chân, móng tay thường xuyên bị gãy, tay không thể giơ qua đầu, việc cầm một bát cơm ăn, hay đứng dậy cũng trở nên khó khăn hơn.
Thế giới trong chị dường như đang đảo lộn dữ dội mà chị không biết phải làm gì. Nhiều lúc chị đứng một mình khóc thầm ở trong lòng, khóc trong buồn tủi, giận dữ, mong mỏi. Chị cầu mong ông trời trả lại cho chị những khả năng bình thường nhất của một con người.
Đến mùa hè năm 1989, chị phải gác lại việc học vì những cơn ho bắt đầu xuất hiện, nhiều lần bị ho đến ù tai, mệt rũ người đến nỗi không còn đứng vững, chị phải bám víu từng song cửa sổ để giữ cho mình khỏi ngã, đêm về thì vật vã vì khó thở như đang có bàn tay nào đó bóp nghẹt cuống phổi.
Qua những lần xét nghiệm ở bệnh viện, bác sĩ cho biết chị bị viêm phế quản cấp tính, nhưng nguyên nhân chính xác của sự suy giảm các cơ thì vẫn chưa được tìm ra. Cứ mỗi ngày chị được tiêm thuốc hai lần, những mũi tiêm kháng sinh khiến cánh tay chị đau buốt, nhưng chị không bao giờ khóc, con đê ngăn lại dòng nước mắt chính vì sự suy nghĩ không nguôi về nỗi vất vả của bố mẹ đang ngày đêm ân cần chăm sóc cho chị.
Chưa kịp hồi phục sau đợt ho này, chị phải chống chọi với đợt ho khác. Lê đôi chân mệt mỏi qua không biết bao nhiêu bệnh viện ở thành phố để tìm nguyên nhân căn bệnh, cứ như thế kéo dài hết ngày này sang ngày khác. Chị chỉ mong một điều duy nhất: Về nhà, được quay về ngôi nhà yên tĩnh giữa làng quê mộc mạc, được nằm duỗi chân trên chiếc giường kê bên cửa sổ, và mặc kệ mọi thứ đang xảy ra.
Chị ngã bệnh đúng vào lúc tuổi thanh xuân đẹp đẽ và đầy cảm xúc vừa mới mở ra trước mắt. Từ một đứa con gái mới lớn phổng phao và hồng hào, chị trở thành cô bé gầy yếu, xanh xao. Mỗi lần tình cờ thấy hình ảnh gầy mòn của mình trong gương là mỗi lần chị có cảm giác ghét bỏ bản thân. Tất cả những mất mát đó, dù được nhìn ở góc độ chân thực và khách quan nhất, cũng đủ khiến bất kỳ ai cũng dễ dàng rơi vào tuyệt vọng.
Nhưng sau một thời gian buồn tủi, chị dần dần hiểu ra rằng bởi vì chị vẫn còn sống, vẫn còn ý thức được về sự tồn tại của mình, chị vẫn chưa mất đi tất cả. Chị hiểu ra rằng chỉ cần được nhìn thấy ánh sáng của ngày mới đã là may mắn.
Chị cố gắng suy nghĩ ít hơn về những gì mình đã mất và không thể lấy lại được, và cố gắng tập nhìn vào những gì mình còn lại, những gì mình đang có trong tay.
Trong lúc này, nguồn an ủi ấm áp duy nhất đối với chị là những cuốn sách văn học, những tập truyện ngắn của nhà văn Maxim Gorky, tiểu thuyết của Stendal...
Những năm tháng của tuổi 14, 15 của chị vẫn đang trôi đi trong một đường hầm tối tăm, mờ mịt không một chút ánh sáng le lói. Và khi chuẩn bị bước sang tuổi 16, sự sống của chị dường như đến hồi kết. Những đợt thuốc kháng sinh liều cao đã không còn tác dụng, chị nằm bất động trên giường bệnh với trạng thái nữa tỉnh nữa mê. Chị như chạm vào cánh cửa của cõi chết.
Trong cơn mê chị thấy có một ông lão râu tóc bạc phơ, đôi mắt nghiêm nghị đến gần bên chị, ông nhẹ nhàng đặt bàn tay ông lên trán chịm và nói điều gì đó chị nghe không rõ. Chị ngỡ rằng đó là ông tiên nhưng thật ra đó là một ông thầy lang đến bắt mạch cho chị. Chị được ông sắc cho 3 thang thuốc, uống hết 3 thang, chị thoát khỏi cơn mê man, thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Sau trận ốm ấy, chị vẫn không thể cử động được nhiều, khi ngồi chị phải tựa vào khuôn ngực và bờ vai của người thân, những lúc như thế, chị thường dõi mắt qua ô cửa sổ, nhìn những chiếc lá vẫy vẫy trong gió, lắng nghe tiếng chim lảnh lót, tiếng người lao xao...mọi âm thanh của cuộc sống như một nỗ lực nhằm bám chặt lấy sự sống vừa tìm lại được.
Rồi chị bắt đầu tập đi ở cái tuổi 16. Chị kiên trì tập luyện mỗi ngày để tránh cơ thể bị liệt. Chị ý thức rằng đó là một nhiệm vụ quan trọng để giúp chị duy trì cuộc sống này.
Tuy đã tạm khoát thỏi lưỡi hái tử thần, nhưng bây giờ là sự tồn tại của một tâm trạng trống rỗng, thời gian trở nên dài lê thê mà không có cách nào giết chết thời gian.
Thật may cuối cùng một thay đổi cũng đã xảy ra, hay nói cho bay bổng là chị đã tìm thấy ánh sáng trong đường hầm tối. Năm ấy là năm đầu tiên em trai chị bắt đầu học Tiếng anh, ngồi học bài trong gian buồng riêng, những từ Tiếng anh như những mảnh nhỏ của một cái gì đó rất thực, rất lạ lẫm, rất dễ gợi tò mò đã ào ạt bay vào thế giới trống rỗng của chị.
Chị chộp lấy chúng như 1 đứa trẻ chộp lấy món đồ lạ. Cứ thế ngày qua ngày, chị học lỏm từng từ, lẩm nhẩm đọc cho đến khi thuộc lòng, rồi chị mượn sách của em trai, mò mẫm từng mặt chữ, chép chúng lên những tờ lịch cũ, những bìa vở cũ.
Chị mò mẫm tìm quy tắc phiên âm các từ, học các từ mới với sự hăng hái đầy ngớ ngẩn. Những từ tiếng anh cứ nạp vào đầu và đến lúc nó trở nên rối rắm như một căn phòng lộn xộn. Thế là chị suy nghĩ phải tìm ra phương pháp học đúng.
Chị bắt đầu dựa vào cái khung chương trình của em trai chị đang học, mượn thêm những tài liệu của người thân, chị tập đọc, đọc những mẫu truyện ngắn song ngữ mượn từ người bạn, đọc những chữ trên vỏ hộp thuốc, trong những tờ hướng dẫn sử dụng đồ điện. Đọc tất cả những gì mà chị bắt gặp.
Chị lập thời khóa biểu tự học, cũng là để tự khép mình vào kỷ luật, mỗi ngày chị đều dành 6 tiếng cho việc học tiếng Anh. Căn phòng 10m2 nơi chị ngồi học là một thế giới riêng, thế giới ấy chỉ có chị và tiếng Anh.
Có những lúc cơn đau, cơn chóng mặt không báo trước xảy đến khiến chị gục xuống bàn học, những lúc như thế sự kỷ luật đã không vực dậy nổi mà chỉ có sự chịu đựng vượt trên mọi giới hạn, niềm khát khao được sống và tình yêu của người thân mới giúp chị gượng lên, có những buổi tối mùa đông rét cắt da, cảm giác rét từ bên trong rét ra, cảm giác nặng trĩu trong lồng ngực khi phải hít vào những luồng khí lạnh, cảm giác tê buốt vì lạnh ở mười đầu ngón chân khiến cái ý nghĩ tạm dừng để lên giường ngay liên tục mời gọi.
Nhưng chị cố gắng dùng ý chí dập tắt nó ngay, nếu chị không cứng rắn với chính mình thì rất có thể chỉ sau mùa đông, chị sẽ quay về vạch xuất phát của con đường tự học. Nếu cái buổi tối ấy, chị không quyết định lựa chọn đúng thì không thể có ngày hôm nay, giữa ánh sáng của bình minh và hoàng hôn chỉ cách nhau có mỗi bước chân là như thế.
Vừa tự học vừa điều chỉnh phương pháp cho phù hợp. Cách ôn từ vựng của chị cũng khá đặc biệt, chị gọi là “5 phút x từ”. Cứ mỗi đồ vật nào đó mà chị nhìn thấy, chị đọc lên tất cả các từ tiếng anh mà vật đó gợi ra. Ví dụ như khi nhìn một bức tranh trên tường, chị đọc tất cả các từ xuất hiện trong đầu chỉ màu sắc, xuất xứ, đặc điểm, giá trị của bức tranh và phấn đấu lần sau phải nhiều từ hơn lần trước.
Tự học rồi tự kiểm tra. Sau 2 năm tự học, chị cũng có được lượng từ vựng kha khá, nắm được cấu trúc của các mẫu câu thông dụng, viết những mẫu hội thoại, những đoạn văn đơn giản, có thể đọc các mẫu truyện tiếng Anh mà không cần phải liên tục tra từ điển.
Tuy nhiên kỹ năng nghe và nói vẫn là khó khăn lớn nên chị cố gắng luyện tập thêm phần nghe được dạy trên đài VOA, bản tin trên BBC. Những kênh này trở thành người thầy thân thuộc của chị dù chưa lần nào gặp mặt.
Trong một lần tình cờ được 1 người quen tặng cho mấy cuốn băng cassette nhạc nước ngoài với những ca khúc trữ tình bất hủ, chị cảm giác như bị hút hồn, sung sướng và say đắm khi nghe những tuyệt phẩm ấy, thế giới âm nhạc ấy mở ra khiến chị cảm nhận con đường tự học gian nan của mình đã được bù đắp. Cảm nhận âm thanh với những ca từ bất hủ giúp chị cảm thấy yêu đời hơn, hạnh phúc hơn khi biết mình còn được sống trên thế giới này.
Ngày ấy ở quê chị, có đứa trẻ nào biết tiếng Anh, dù chỉ chút ít, cũng là một sự lạ. Một lần tình cờ, các em nhỏ đến nhà chị chơi, với con mắt tò mò của mình, các em đổ dồn vào ô cửa sổ nhỏ nơi chị đang học, các em tự hỏi không biết có điều gì hấp dẫn nơi căn phòng nhỏ ấy mà khiến chị say mê đến vậy.
Sau khi tìm hiểu, các em mới biết là chị đang học Tiếng anh. Nghe nói chị đang học tiếng Anh, các em lại càng tò mò hơn. Và một buổi chiều mùa hè ngày tiếp theo, lần đầu tiên chị trở thành “cô giáo” mà nhà chị là lớp học, những học trò đầu tiên cũng chính là các em nhỏ đã từng đến nhà chị chơi. Ban đầu, lớp học không có bàn, không có ghế, học trò phải ngồi bệt trên sàn nhà, bảng đen là một tấm cánh cửa bằng gỗ được sơn đen.
“Hello” là từ tiếng Anh đầu tiên được chị viết bằng đôi bàn tay run run nhưng rất nắng nót, rõ ràng, và khá tròn trĩnh. Dù chỉ mới học hết lớp 8 và không có bằng cấp về tiếng Anh nhưng chị đã giúp các em trong làng làm quen với cái ngôn ngữ lạ lẫm này, làm thỏa mãn sự háo hức của các em muốn biết thêm một ngôn ngữ mới.
Và cũng chính buổi chiều hè ấy đã mở ra một trang mới của cuộc đời chị, chị có thể kiếm được tiền bằng chính sức lao động của mình. Thù lao chị nhận được là những tờ bạc có mệnh giá 500 đồng và 1.000 đồng cũ kỹ, nhàu nhò, thấm mồ hôi của những người cha, người mẹ đối với chị thật quý giá. Đối với chị đó như một giấc mơ, giấc mơ của một người đang mang căn bệnh nghiệt ngã chưa có thuốc chữa lại có thể tự mình kiếm ra tiền.
Trước sân nhà chị có một cây táo lớn. Mỗi năm cây đều cho ra trái sum suê. Học trò của chị đã lấy cây táo ấy để đặt tên cho lớp học, cái tên rất đỗi thân thương “lớp Cây táo”.
Mặc dù khó khăn trong việc đi lại nhưng bằng tất cả sự chân thành, gần gũi, chị đã quên đi nỗi đau của mình đang mang, quên đi sự nóng nực của mùa hè, và quên tất cả những thiếu thốn của cô và trò gặp phải. Chị dồn tất cả lòng nhiệt tình, sự tận tụy giúp đỡ từng em học trò tiếp thu tiếng Anh một cách tốt nhất.
Trong những năm tháng làm công việc của người gieo chữ, chị có cơ hội cảm nhận được sắc thái của một thứ cảm cao đẹp mà người ta gọi là “tình thầy trò”. Tình cảm yêu mến, sự cảm thông và chia sẻ giữa thầy trò, có giàu lòng cảm thông, học trò mới dễ dàng chấp nhận một cô giáo không được đào tạo chính quy, không có bằng cấp. Tất cả đều in vào lòng chị mà không gì có thể xóa nhòa.
Trong giờ học có khoảng cách giữa cô giáo và học trò đủ để việc dạy và học được nề nếp, nhưng trong giờ chơi, khoảng cách ấy không còn nữa mà là tình cảm giữa người chị gái của một đàn em, cùng vui đùa với nhau, cùng sẻ chia những trái táo chua hái ở vườn nhà.
Những lúc như thế, chị như sống lại tuổi của các em, các tuổi nhiều mơ mộng mà bệnh tật đã cướp đi của chị. Học trò đến học ngày một đông hơn, không ngại những ngày mưa gió, các em vẫn tham gia lớp học đều đặn. Đó là bài học lớn nhất mà chị truyền lại cho các học trò của mình, bài học về tinh thần vượt khó.
Gần mười năm sau, chị tạm nghỉ dạy 1 tuần để đi Hà Nội khám bệnh lại lần nữa với hy vọng sau gần 10 năm, y học sẽ có những bước tiến, đã tìm ra phương thuốc điều trị. Khi chị gặp được bác sĩ, và được kiểm tra một vài vận động của cơ thể thì kết quả mà chị nhận được cũng là kết quả của mười năm trước “bệnh này không có thuốc chữa đâu. Phải chờ!”
Câu trả lời lạnh lùng của vị bác sĩ ấy như xé nát con tim của chị. Chị đã khóc thét lên, khóc cho cả mười năm trời chịu đựng, cho những hy vọng, những ước mơ mà chị ấp ủ về cái ngày chị được khỏi bệnh, được đạp xe đi trên con đường làng đến trường ngày nào, được ngắm những cánh đồng lúa, ruộng ngô xanh rì, được đến những đồi thông Đà Lạt, thành phố của sự bình yên và xanh tươi, và được tốt nghiệp ở một trường đại học nào đó. Chị khóc để chia tay hàng trăm hàng ngàn giấc mơ nhỏ bé của mình.
Trở về với thực tại, chị gạt đi nước mắt, chị ý thức rằng mình cần phải sống ý nghĩa những ngày còn lại, chị lấy việc dạy học làm sự cứu rỗi cho mình. Có lần một học trò hỏi chị: “Chị Lan có tin là có số phận không?”.
Chị trả lời: “Chị tin rằng con người có số phận, nhưng chị cũng tin rằng con người có thể quyết định số phận của mình”. Chị luôn sẵn sàng tinh thần ngay cả những lúc bình yên nhất. Và cũng nhờ tình cảm gia đình, tình thầy trò đã nâng thêm bước chân của chị trong cuộc sống đầy chông gai này.
Thử thách cho số phận lại tiếp tục xảy đến với chị. Khi các học trò của chị chuẩn bị bước vào kì thi tốt nghiệp, cũng là lúc chị rơi vào cơn mệt chưa từng thấy. Chị được bác sĩ cho biết là chị bị suy tim độ 2. Cơn mệt cứ kéo dài suốt cả ngày, cả tuần. Có thuốc thì cảm giác mệt vơi đi phần nào, lúc thuốc hết tác dụng chị lại rơi vào cơn mệt khủng khiếp.
Thời gian này, được sống là niềm khát khao mãnh liệt nhất với chị, dù chỉ thêm 1 ngày, chỉ cần được sống để nhìn thấy ánh mặt trời của ngày mới cũng đã là hạnh phúc. Sức khỏe chị yếu dần, lớp học cây Táo cũng dừng lại, ngày của chị giờ bị bao trùm bởi sự im lặng, đợi những cơn mệt qua đi, từng ngày từng ngày.
Thời gian chậm chậm trôi đi trong sự chờ đợi cho đến một ngày may mắn một lần nữa cũng mỉm cười với chị, chị được người thân sắc thuốc bắc cho uống, sức khỏe của chị đã đỡ được phần nào, chị hạnh phúc như muốn vỡ òa khi mình có thể nhìn lên bầu trời mà không còn cảm giác mệt.
Từ cảm xúc quá đỗi dâng trào, chị đã viết nên những ca từ thật đẹp bằng những lời hát ru trĩu nặng yêu thương và tình yêu cuộc sống tha thiết trong bài thơ “Ngày mới”: Có “con chim nhỏ” với “gió đồi”, có “chợ gạo” đầy “mùa no”, có “giọt sương” còn trên “búp”, có “tình người” với nghĩa cử cao đẹp “cho” và “nhận” ... Tất cả đã tạo nên một bức tranh đẹp nhất của sự sống.
Bây giờ sức khỏe của chị không cho phép chị dạy học được nữa, sự trống rỗng của thời gian lại bao trùm lên căn phòng nhỏ của chị. Chị muốn được làm việc, để tránh lãng phí thời gian trôi đi vô ích. Chị tập viết truyện ngắn để giải khuây tinh thần, cũng là cách để gởi gắm những hy vọng vào tương lai. Chị luôn hy vọng một tương lai tươi sáng hơn sẽ mở ra với chị
Trong một lần về thăm quê, cô của chị nhận thấy năng khiếu văn chương và vốn kiến thức tiếng Anh nên đã hướng chị dịch sách văn học nước ngoài. Người ta thường nói nếu bạn chịu khó gõ cửa, thì cửa sẽ mở kể cả cánh cửa cuộc đời.
Và điều đó đã trở thành hiện thực với chị. Bắt đầu bước vào ngã rẻ mới của cuộc đời, với vai trò là người chuyển ngữ, chị đã trải qua bao khó khăn, thử thách để cuối cùng cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tựa đề “Đừng nghi ngờ tình yêu của anh” (nguyên tác tiếng Anh “Never Doutb My Love”) cũng đã được xuất bản.
Ngày cầm cuốn sách dịch đầu tay của mình giống như một giấc mơ mà chị chưa bao giờ dám mơ tới. Thành công từ cuốn sách đầu tay đã khích lệ tinh thần chị và rồi đến cuốn thứ hai, thứ ba, thứ tư liên tiếp được xuất bản. Mỗi cuốn là một câu chuyện, một thế giới, một trải nghiệm văn chương riêng biệt.
Dịch văn học vốn dĩ không phải là điều dễ dàng, với vai trò là người chuyển ngữ chị phải truyền tải đúng ý mà tác giả muốn nói với người đọc, và luôn có những cái bẫy giăng ra để bẫy sự cẩu thả, vội vàng, sự lười suy nghĩ, sự thiếu kiến thức, thiếu khiêm nhường, thiếu tinh thần trách nhiệm và sự thiếu tập trung.
Bằng niềm đam mê, sự kiên trì đã giúp chị vượt qua được những điều đó, dù thể lực của chị vẫn rất yếu và thỉnh thoảng bệnh tim lại tái phát gây ra những cơn mệt khủng khiếp.
Chị hạnh phúc khi được dịch sách, được truyền những thông điệp có ý nghĩa cao đẹp của tác giả đến với bạn đọc, được biểu lộ cảm xúc, tình cảm, quan niệm trong bề rộng và độ sâu của thế giới ngôn ngữ và được tìm kiếm sự đồng cảm hoặc phản biện từ phía người đọc. Đó là niềm hạnh phúc được chia sẻ, được cho đi và được nhận lại.
Thời gian sau, chị có cơ hội làm quen với máy tính, bây giờ chị tập đánh máy, công việc dịch sách của chị cũng đã đỡ vất vả hơn khi phải viết tay bản thảo.
Cuối năm 2004, chị gặp trở ngại trên con đường dịch thuật. Năm đó nước ta ký Công ước Berne về bảo hộ bản quyền, không được nhà xuất bản giao sách cho chị dịch nữa nhưng không muốn bỏ nghề, không muốn từ bỏ niềm đam mê của mình, chị đã mày mò tự tìm sách, tự liên lạc với tác giả để giao dịch bản quyền.
Cuốn “Vũ điệu trái tim” (nguyên tác tiếng Anh “Dance with Your Heart”) là cuốn sách đầu tiên chị dịch sau khi Việt Nam gia nhập Công ước Berne và là cuốn sách mở ra hướng đi mới cho con đường dịch thuật văn học của chị. Hướng đi đó là được chủ động chọn những cuốn sách mình thích để dịch mà không cần đợi nhà xuất bản giao sách để dịch.
Năm 2010, bản dịch “Triệu phú khu ổ chuột” được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam đánh dấu mốc son thành công của cuộc đời dịch thuật của chị.
Từ tinh thần vượt khó không biết mệt mỏi của một người mang bệnh nan y, không thể đến trường, đã tự học bằng mọi cách có thể để trở thành dịch giả chuyên nghiệp. Và cũng năm ấy, chị trở thành một trong tám người phụ nữ đương đại được Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam tôn vinh; đứng cạnh những người phụ nữ thành công lớn lao trong sự nghiệp như nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - giám đốc bệnh viện Từ Dũ, nhà thiết kế áo dài Nguyễn Thị Minh Hạnh…
Tất cả những người phụ nữ ấy đều có một điểm chung là tinh thần tận hiến vượt trên hoàn cảnh của mình và đều góp phần khẳng định vai trò của nữ giới trong xã hội. Con đường từ thế giới bị bó hẹp giữa bốn bức tường của căn phòng 10m2 đến một viện bảo tàng lớn là một đường kẻ bất ngờ của cuộc đời mà chị chưa từng nghĩ đến. Chị đã làm tất cả những gì có thể để tự cứu mình. Và phép mầu đã sinh ra từ cuộc sống, từ chính nỗ lực ấy của chị.
Sau này, chị có dịp dịch cuốn tự truyện của diễn giả người Úc Nick Vujicic, một người bị khuyết thiếu tứ chi, chỉ có một mẩu bàn chân trái với hai ngón chân dị dạng nhưng anh đã vượt qua sự thất vọng, mặc cảm và khó khăn chồng chất để tồn tại, sống một cuộc sống ý nghĩa nhất của một con người, một cuộc sống không giới hạn. Chàng trai Nick đã khích lệ thêm tinh thần cho chị về sự phi thường của trí tuệ, ý chí và lòng nhân ái.
Giờ đây chị chọn con đường dịch thuật làm lẽ sống, làm hạnh phúc cho mình. Dù con đường ấy có lắm gian nan, thử thách, nhưng bằng lòng yêu đời, sự kiên nhẫn và niềm tin vào chính mình, chị sẽ hoàn thành tốt đẹp cuộc hành trình.
Câu chuyện về dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan đã để lại trong tôi nhiều bài học sâu sắc, từ những gì chị tích lũy được qua hành trình sống của mình, tôi nghĩ những người như chị có mặt trên đời này để chứng minh rằng cuộc sống này rất đáng sống, rằng khó khăn dù to lớn đến đâu cũng không thể ngăn được chúng ta sống một cuộc sống hữu ích, không thể ngăn cản chúng ta vươn tới hạnh phúc nếu như chúng ta thực sự cố gắng.
Nếu tôi đang đi trên một con đường và vì một chướng ngại vật nào đó mà tôi buộc phải dừng lại, thì thay vì quay đầu xe để trở về điểm xuất phát hay là đổ lỗi cho ai đã tạo ra nó mà việc đầu tiên tôi sẽ làm là chấp nhận thách thức và tìm mọi cách để vượt qua nó.
Sự tồn tại của khó khăn có lý do của nó. Khó khăn sẽ giúp con người ta trưởng thành hơn. Vì vậy, thay vì né tránh khó khăn, tôi chấp nhận nó như một cơ hội giúp tôi hoàn thiện bản thân. Vượt qua được những khó khăn, thách thức ấy tôi sẽ thấy cuộc sống, sự tồn tại của mình có ý nghĩa hơn, tôi sẽ yêu đời hơn và cũng để hoàn thiện hơn trong sứ mệnh quan trọng nhất trên đời này: sứ mệnh làm người.
Điều thứ 2 mà tôi học được từ chị đó chính là chị đã chứng minh được điều “Không gì là không thể”. Cuộc sống này không có giới hạn nào ngoài những giới hạn mà chúng ta tự đặt ra cho chính mình, ai cũng có thể sống hạnh phúc nếu người đó có đủ ý chí, đủ nghị lực và đủ tình yêu dành cho cuộc sống.
Dù xuất phát điểm của bạn có khiêm tốn đến mức nào, nó cũng là điểm khởi đầu của những điều lớn lao hơn, ý nghĩa hơn mà bạn sẽ gây dựng được nếu bạn thực sự cố gắng tìm hiểu và rèn luyện trong một khoảng thời gian nhất định. Hãy luôn sống hết mình cho ngày hôm nay và thanh thản đi về phía ngày mai.
Điều thứ 3 mà tôi học được từ chị đó chính là muốn thành công trên đường đời, thì chúng ta cần phải có người thầy để dẫn đường chỉ lối, để làm chỗ dựa niềm tin cho ta vượt qua khó khăn phía trước. Chị đã tìm thấy người thầy tư tưởng của mình qua những trang sách. 

Không có nhận xét nào:

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác

Được tạo bởi Blogger.