Mạng xã hội - Giới trẻ sống ảo và sự cô đơn ở thế giới thật

Mạng xã hội ảnh hưởng đến lối sống của giới trẻ như thế nào? Sự đi lên của công nghệ, cụ thể hơn là các mạng xã hội đang tạo ra các ảnh hưởng đối với chúng ta, các ảnh hưởng có thể là tích cực hay tiêu cực tùy thuộc vào người dùng. Nhưng nếu có một ngày, bạn cảm thấy quá để ý đến suy nghĩ của người khác dành cho mình, hay những lời đánh giá, nhận xét của họ lại trở nên ám ảnh mình. Nhiều người sẽ không tin đâu, nhưng thực lòng mà nói, mạng xã hội đang khiến thế hệ trẻ rơi vào các quy tắc của người khác, và họ có thể biết điều đó và có thể không, nhưng phần lớn chúng ta vẫn dành nhiều cho chúng.
Instagram được thành lập bởi Kevin Systrom và Mike Krieger, với biểu tượng là chiếc máy ảnh hình vuông, là một ứng dụng giúp người dùng đăng tải các bức ảnh, video cá nhân lên mạng xã hội, vào khoảng cuối năm 2016, Instagram cập nhật thêm tính năng “stories” và “live”. Trang GEM vào năm 2019 đã đưa các dữ liệu thống kê từ Instagram, theo đó Instagram là nền tảng chia sẻ hình ảnh phổ biến nhất hiện nay với hơn 500 triệu người, bỏ xa Twiter với 326 triệu và Spapchat 150 triệu. Và theo nhiều nghiên cứu, con số tăng theo các năm và dự báo sẽ còn tăng nhiều hơn nữa trong tương lai.
Mạng xã hội - Giới trẻ sống ảo và sự cô đơn ở thế giới thật
Mạng xã hội - Giới trẻ sống ảo và sự cô đơn ở thế giới thật (Nguồn ảnh: Pexels)
Với một lượng lớn người dùng như vậy, chúng ta dễ nhận ra được tầm ảnh hưởng của nó đến xã hội. Thực ra Instagram chỉ là một ví dụ thực tiễn về mạng xã hội, chúng ta còn có Facebook, Twiter, Tumblr, Myspace…nhưng điểm chung của các mạng xã hội đều có lượng người dùng chủ yếu là giới trẻ.

Giới trẻ dành phần lớn thời gian cho mạng xã hội. 

Đôi khi ở Highlands hay Starbuck, tôi dễ dàng bắt gặp một nhóm trẻ đến và cùng bàn với nhau, nhưng họ ”không hề ở đó”, vì họ không có sự giao tiếp bằng ngôn ngữ với nhau, tất cả đều đang chú ý tới điều gì xa hơn trên chiếc điện thoại, và dường như chẳng ai buồn quan tâm tới những người ngồi cạnh mình nữa. Theo báo dân trí, giới trẻ Việt dành 7 giờ cho mạng xã hội. Một cách nói vui hơn, cuộc sống giới trẻ được chia làm ba phần: phần thực, phần ảo và phần bí mật. Phần ảo được tạo ra đi cùng với sự ra đời của công nghệ và mạng xã hội. Và phần ảo đang dần chiếm mất thời gian cho phần thực, tâm trí chúng ta dường như  nằm phẩn nhiều ở đó. Mạng xã hội dần trở nên phổ biến, và có vẻ nó là một phần không thể tách rời trong đời sống hiện đại của thế hệ trẻ.
Thế hệ trẻ dành ít thời gian cho “phần thực”.
Điều đó là tất yếu khi “phần ảo” đang chiếm ưu thế về mặt thời gian sinh hoạt một ngày. Một số bạn cảm thấy như mình đang nghiện sử dụng nó, và cảm thấy “thiếu” khi vắng bóng mạng xã hội, thúc giục họ phải kiểm tra điện thoại mọi lúc khi có thể. Họ có mối quan hệ gia đình, bạn bè, học tập, công việc…và cả một mạng lưới bạn bè khắp nơi trên mạng xã hội. Có vẻ họ tìm được gì đó, thú vị chẳng hạn khi kết nối qua màn hình điện thoại. Họ chia sẻ với nhau mọi thứ, kể cả tâm sự cùng nhau qua tin nhắn mất mấy tiếng đồng hồ. Nhưng đôi khi, chúng ta gặp nhau, nhưng lại chẳng muốn nói gì với nhau.
The Royal Society of Public Health and the Young Health Movement (Anh) đã thực hiện một cuộc khảo sát với gần 1.500 thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 14 - 24 về tác hại của các trang mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần người trẻ. Kết quả khảo sát cho thấy rằng các mạng xã hội mang lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho giới trẻ như chứng lo âu, ít giao tiếp, cảm thấy cô đơn...

Sống ảo khiến bạn luôn cảm thấy lo âu

Điều này tôi nhận thấy rõ hơn ở các cô gái. Bạn có lo lắng khi dùng mạng xã hội không? Thực ra khi đăng một bức ảnh sefile, bạn sẽ để tâm đến người khác đánh giá nó thể nào, họ nói gì về nó, hay nó có thể có được bao nhiêu lượt ”like”? Bạn đang tìm mọi cách để trở nên hoàn hảo hơn trên mạng xã hội, bạn nhận ra được rằng, có vẻ mình quan tâm tới việc mình có được công nhận trên mạng xã hội hay không? Tôi từng đọc được một đoạn của một bài báo trên trang Elle: “Mạng xã hội khiến giới trẻ nghĩ rằng họ có thể được chú ý qua những bức ảnh được chỉnh sửa cầu kỳ và dòng chú thích trau chuốt”.
Mạng xã hội - Giới trẻ sống ảo và sự cô đơn ở thế giới thật
Mạng xã hội khiến giới trẻ nghĩ rằng họ có thể được chú ý qua những bức ảnh được chỉnh sửa cầu kỳ và dòng chú thích trau chuốt (Nguồn ảnh: Pexels)
Chúng ta còn có thể nói đến sự so sánh và cạnh tranh trên mạng xã hội. Mạng xã hội tạo ra các chuẩn mực, về việc phải như thế nào, phải cư xử thế nào, điều đó làm chúng ta lo lắng. Chúng ta thậm chí còn không ngừng so sánh mình với người
khác, hay so sánh nhau. Bạn thử tưởng tượng một cuộc tranh đua, ở đó, bạn và rất nhiều người khác cạnh tranh xem ai được chú ý nhất, hay ai có nhiều lượt “like” nhất.

Ít giao tiếp với thế giới thực tại khi bạn thích được sống ảo

Hãng Dutch Lady đã từng có bài viết : “Khi thời gian cho gia đình bị đánh cắp”. Có phải không? Thế hệ trẻ đang trở nên dành nhiều thời gian cho mạng xã hội, nhưng nó là một nơi không thực. Thế giới thực là cách chúng ta cảm nhận mọi thứ bằng giác quan, chứ không phải bằng cách dùng ngón tay và lướt hàng giờ trên chiếc iPhone. Thực tế cho thấy, cả những dẫn chứng xác thực về thời gian con người dành cho công nghệ trong một ngày đã cho thấy được, họ đang ít giao tiếp hơn, ít nhất là với gia đình.
Trên trang báo Thanh niên Giới trẻ, họ đã làm một bài viết về việc này. Họ cho biết, 7/10 người trẻ đã thừa nhận rằng con người đang trở nên ít quan tâm nhau. Khi phỏng vấn một nữ sinh viên, bạn cho biết: "Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, công nghệ đã và đang chi phối đời thực của con người rất nhiều. Dẫn đến mọi người ít quan tâm đến nhau",. Nữ sinh này dẫn chứng: "Không khó để nhận ra điều đó. Thử đến các quán ăn, quán cà phê. Dù ngồi cả nhóm 6, 7 thành viên. Nhưng mỗi người dán mắt vào điện thoại của riêng mình, làm chuyện riêng, chứ ít giao tiếp với nhau".

Luôn cảm thấy cô đơn mặc dù khi sống ảo bạn được coi là người có nhiều bạn bè

Một bài viết của trang Elle vào năm 2018 với tựa đề : “Bạn có bao giờ cảm thấy cô đơn khi dùng mạng xã hội”. Cô đơn như thế nào? Có phải khi dùng mạng xã hội, bạn sẽ không “giao tiếp qua lời nói” cùng ai, đúng không? Sự giao tiếp đúng bản chất là qua lời nói, cử chỉ, ánh mắt … nhưng thế hệ thông qua thế giới bằng màn hình điện thoại. 
Bạn cảm thấy cô đơn, vì mấy ai trên mạng xã hội có thể lắng nghe bạn nói một-cách-chân-thực nhất, sự đồng cảm nằm ở đâu chứ? …
bạn có bao giờ cảm thấy cô đơn khi nhìn vào danh sách bạn bè hơn trăm người nhưng lại không biết gọi cho ai mỗi khi buồn?” một đoạn của bài viết nói vậy.
Mạng xã hội - Giới trẻ sống ảo và sự cô đơn ở thế giới thật
Bạn cảm thấy cô đơn, vì mấy ai trên mạng xã hội có thể lắng nghe bạn nói một-cách-chân-thực nhất (nguồn ảnh: pexels)
Theo báo cáo của Guardian, những người dùng mạng xã hội trong khoảng 19-30 tuổi có khả năng bị cô đơn kinh niên nhiều nhất. Có lẽ chúng ta nên để tâm hơn tới việc này.
Cách đây vài tuần trên Facebook, trên trang một trang cá nhân có một bài viết mang tên “Nếu bạn thấy ai đó liên tục cập nhật trạng thái trên mạng xã hội, thực  không phải họ vui đâu, mà là họ quá đỗi cô đơn”. Điều này có đúng không? Nhiều người quan niệm rằng, hoạt động tích cực trên mạng xã hội thì sẽ có khuynh hướng hướng ngoại hơn chứ, vì đây là công cụ giao tiếp mà. Nhưng trên thực tế, trang thông tin dành cho tín đồ công nghệ GenK đã có bài viết về việc này, tựa là “Chia sẻ nhiều thông tin trên Facebook là bởi vì cảm thấy cô đơn”. Bài viết dựa trên các nghiên cứu của đại học Charles Sturt, New South Wales, Australia.
Ngoài ra, các tác hại của mạng xã hội còn bao gồm cả tăng mong muốn gây sự chú ý, giết chết sáng tạo hay đặc biệt là bạo lực trên mạng. 
Tôi đặc biệt với một video của trang Giang ơi (một trang youtube có tới hơn 1,22 triệu lượt đăng kí), với tựa đề “Sống ảo và mạng xã hội”. Cô càng làn da ngăm khỏe khoắn, tóc đen bóng mượt để lệch một bên thật phong cách. Lối nói chuyện chân thật của cô làm tôi ấn tượng. Trong đầu video, cô với chất giọng Bắc đáng yêu đã thốt lên: 
Không ai tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên nữa, không ai còn ngẩng lên ngắm mặt trời lặn hay đi qua và thấy bông hoa bên đường đang nở. 
Video nhận được nhiều phản hồi tích cực, và chủ yếu bình luận đều đồng ý rằng chúng ta đã dành quá nhiều thời gian cho việc sống “ảo”. “Nghe chị nói xong, em đã có suy nghĩ khác”, ai đó bình luận như vậy.

Lời kết

Liệu có một ngày, chúng ta có nên rời mạng xã hội không? Ít nhất nhiều người nên làm vậy. Tôi không có suy nghĩ rằng, “thoát ly” hoàn-toàn khỏi mạng xã hội là hợp lí. Vì công nghệ đang càng xâm nhập sâu vào đời sống của chúng ta, nhất là thế hệ trẻ, chúng ta tiếp nhận nó như một công cụ giải trí, để bạn tìm kiếm ai đó, để bạn có thể thể hiện chính bản thân mình và tự hào với chúng qua những bức ảnh, những dòng caption kèm theo. Chúng ta nên hiểu nó theo một hướng tích cực, và sử dụng một cách có kế hoạch. Tôi từng đọc một bình luận của một video về mạng xã hội, bạn nói rằng: 
Mạng xã hội không có lỗi, lỗi là ở người dùng chúng. 
Có phải không? Khi chúng ta dành quá nhiều cho những thứ ảo, chúng ta đang có vẻ lãng quên đi những điều chân thực và trọn vẹn của cuộc sống. Chúng đang choáng bớt đi thời gian chúng ta dành cho những giá trị mà cuộc sống đang ban tặng. Có mấy người trẻ đi du lịch mà chỉ tận hưởng thiên nhiên, cây cỏ, kiến trúc xung quanh…mà không chụp một bức ảnh nào để về đăng status. Có bao nhiêu nhóm bạn trẻ sẽ dành thời gian để ngồi lại bên nhau chuyện trò khi họ đi cà phê cùng nhau, hay họ chỉ chăm chú với những dòng tâm trạng, những cuộc tranh cãi, hay những ai đang “follow” (theo dõi) mình trên Instagram…Sẽ có bao nhiêu bạn thay vì ngồi share bài viết trên Facebook mấy tiếng đồng hồ, họ sẽ đến hiệu sách, hay họ học hỏi, khám phá điều gì mới, hay chỉ đơn giản là giao-tiếp-bằng-lời-nói với ai đó. 
Nếu tôi muốn tìm hiểu ai đó, tôi sẽ rủ bạn ấy đi chơi, chứ không phải theo dõi những bức ảnh của bạn ấy chia sẻ trên Instagram hoặc Facebook
Một câu hỏi nhỏ, mang tính xây dựng: 
Bạn dành bao nhiêu một ngày cho gia đình, bạn bè? Nếu bạn có thể trích nhiều những phút giây quý báu trong đời cho họ, hay chỉ đơn giản là ngồi lại bên họ, tôi thực lòng ngưỡng mộ bạn. 
Không phải ai cũng có thể. Chúng ta đang sống nhanh hơn so với thế hệ 9x, 8x, vì chúng ta có công nghệ. Công nghệ là tiên phong, là trung tâm của mọi việc, nhưng bù lại, thế hệ trước có “thời gian” cho việc yêu bản thân mình hơn, cho những cuộc hội thoại có tiếng cười, hay chỉ là cho việc suy nghĩ sâu sắc hơn.
Quế Anh - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào:

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng tôi mong muốn các bạn sử dụng tiếng Việt có dấu. KHÔNG bình luận những lời lẽ thiếu văn hóa, những nội dung gây hiềm khích và những nội dung kích động khác

Được tạo bởi Blogger.